Thế giới

Việt Nam sẽ cử quân nhân nữ tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, Việt Nam sẽ cử hai sĩ quan nữ tham gia Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

Cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, Việt Nam sẽ cử hai sĩ quan nữ tham gia Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

 

viet-nam-se-cu-quan-nhan-nu-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-ki-moon cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam, trong đó có các quân nhân nữ, nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2015.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết có rất nhiều vị trí làm việc tại các Phái bộ phù hợp cho quân nhân nữ, và thực tế cho thấy hiệu quả công việc được nâng cao khi có nữ quân nhân tham gia. Họ có thể là sĩ quan tham mưu làm việc tại sở chỉ huy, cũng có thể là quan sát viên quân sự, hoặc quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ an ninh…

Trong nhiều việc, quân nhân nữ còn có ưu thế hơn các đồng nghiệp nam, như tham gia đàm phán với các lực lượng đối lập, điều tra và giải quyết những vấn đề xâm phạm tình dục ở các vùng chiến sự, cầu nối giữa cơ quan phái bộ Gìn giữ hoà bình với chính quyền và người dân địa phương.

Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, sĩ quan nữ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những công việc mà phần lớn sĩ quan nữ của các nước đang làm tại các Phái bộ Gìn giữ hoà bình. Trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam cũng đã chuẩn bị sĩ quan nữ có đủ các tiêu chí mà Liên hợp quốc yêu cầu, qua các lớp tập huấn chuyên môn về Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

viet-nam-se-cu-quan-nhan-nu-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-1

Nữ quân nhân thuộc Trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam tham gia tập huấn nghiệp vụ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc cùng các đồng nghiệp quốc tế.

Việt Nam sẽ cử hai sĩ quan nữ đi làm nhiệm vụ vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 khi Liên hợp quốc và Việt Nam thống nhất nhiệm vụ và vị trí cho họ. Đối với một số lĩnh vực mà các sĩ quan nữ thường gặp khó khăn như kĩ năng sinh tồn trong thời gian dài, lái xe 2 cầu, Trung tâm sẽ tập trung ưu tiên bồi dưỡng trong nội dung huấn luyện trước khi triển khai quân nhân nữ tới các Phái bộ.

Do đặc thù của nhiệm vụ nên tại các Phái bộ gìn giữ hoà bình có sự chênh lệch giới tính rõ nét. Từ năm 2000, Liên hợp quốc ra Nghị quyết 1325 nhằm cải thiện sự tỷ lệ phụ nữ tham gia sứ mệnh hòa bình thế giới. Dù vậy, theo thống kê của Liên hợp quốc, đến tháng 1/2016, tỷ lệ nữ chỉ chiếm 4,8% (khoảng 5.100 nữ trên tổng số hơn 107.000 lính mũ nồi xanh đang hoạt động tại 18 Phái bộ gìn giữ hoà bình). 

Mục tiêu của Liên hợp quốc là trong thời gian tới tăng tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình lên đến 35%, hiện tại là 8-10%. Việc tăng tỷ lệ sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc là một tiêu chí đánh giá về bình đẳng giới.

Việt Nam có 7 cán bộ đang công tác tại các Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung phi.

Theo Ngân Giang (VnExpress.net)