Thế giới

Việt Nam sẽ biến SA-2 thành tên lửa đối đất?

Tương tự MiG-21, thời gian phục vụ trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam của hệ thống tên lửa phòng không SA-2 đã dần đi đến những ngày cuối cùng.

Tương tự MiG-21, thời gian phục vụ trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam của hệ thống tên lửa phòng không SA-2 đã dần đi đến những ngày cuối cùng.
S-75 Dvina (SA-2 Guideline) là tổ hợp tên lửa đất đối không tầm trung - cao do Liên Xô chế tạo. Kể từ khi được triển khai lần đầu vào năm 1957, nó đã trở thành một trong những loại tên lửa phòng không được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử.
 
Đạn tên lửa của hệ thống SA-2 là V-750, gồm tầng khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình nhiên liệu lỏng. Tên lửa có chiều dài 10,6 m; đường kính 0,7 m; trọng lượng phóng 2.300 kg; đầu đạn 200 kg HE; bán kính sát thương 65 m; tầm bắn tối đa 45 km, trần bay 25 km.
 

Tên lửa V-750 của hệ thống SA-2 rời bệ phóng

 
V-750 có nhược điểm là dùng nhiên liệu lỏng (gồm 2 chất riêng biệt thường gọi là chất "O" và chất "Gh") cực kỳ độc hại, thường xuyên phải thay thế, tăng hạn mới có thể trực chiến lâu dài.
 
Thêm nữa, tên lửa V-750 có khả năng cơ động rất kém. Radar dẫn bắn FAN SONG và SPOON của nó rất dễ bị vô hiệu hóa khi gặp nhiễu, khiến cho nhu cầu thay thế hệ thống lạc hậu này trở nên cấp thiết đối với lực lượng phòng không Việt Nam.
 
Hiện nay, khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ sớm được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm trung SPYDER-MR tiên tiến, có lẽ thời gian phục vụ trong biên chế của SA-2 đã dần đi đến những ngày cuối cùng.
 
Vậy khi đã loại biên, Việt Nam có thể tận dụng SA-2 với chức năng nào cho hợp lý nhất?
 
Tên lửa đạn đạo đất đối đất
 

Đạn tên lửa V-750 của Cuba lắp trên khung gầm xe tăng T-54/55

 
Mặc dù chức năng chính là phòng không, nhưng khi cần thiết, đạn tên lửa V-750 của hệ thống SA-2 cũng có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất.
 
Tuy rằng có độ chính xác không cao hơn một viên đạn pháo, nhưng với đầu đạn nổ mảnh nặng 200 kg kết hợp với nhiên liệu chưa cháy hết, nếu tập trung bắn theo diện tích thì sẽ tạo ra một cơn bão lửa cực mạnh trút xuống đầu kẻ thù.
 
Nhưng rất tiếc, SA-2 của Việt Nam lại sử dụng bệ phóng cố định rất cồng kềnh chứ chưa được lắp đặt trên khung gầm xe tăng T-54/55 để nâng cao tính cơ động như một số quốc gia khác.
 
Do vậy, nó sẽ không thể triển khai trên chiến trường như một tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà phải được hoán cải cho một vai trò khác.
 
Bia bay đạn đạo tốc độ cao
 

Tên lửa HQ-2 (phiên bản sao chép SA-2) đã được Trung Quốc hoán cải thành bia bay

 
Phương án hoán cải khả thi nhất mà Việt Nam có thể triển khai là biến những quả đạn V-750 thành bia bay đạn đạo tốc độ cao, phục vụ cho việc tập bắn của lực lượng phòng không. Đây cũng là cách làm được nhiều quốc gia khác áp dụng nhất.
 
Với tốc độ rất cao, lên tới Mach 3,5 - 4, đạn tên lửa V-750 tỏ ra là một mục tiêu có độ khó cao hơn nhiều so với bia bay IVTs-M2 hay BB-13M.
 
Đặc biệt, nó tỏ ra là một đối tượng xứng đáng để tên lửa 48N6 của hệ thống S-300PMU1 tập bắn, thay vì phải dùng phương thức bắn quả đạn 48N6 này lên để đánh chặn quả đạn kia rất tốn kém, vốn chỉ thích hợp với những nước có tiềm lực tài chính dồi dào.
 
Tương tự như MiG-21, mặc dù có thể sắp bị loại biên nhưng đạn tên lửa V-750 của hệ thống phòng không SA-2 vẫn còn rất hữu ích với Quân đội nhân dân Việt Nam, cho dù nó phải hoán cải sang một vai trò khác.
 
Theo Hải Dương (Dailo.vn)