Thế giới

Việt Nam nên bỏ P-3C Orion, mua sát thủ săn ngầm SC-130J

Giải pháp tốt nhất là Việt Nam nên từ bỏ P-3C Orion, mua đồng bộ biến thể chống ngầm SC-130J Sea Hercules.

Giải pháp tốt nhất là Việt Nam nên từ bỏ P-3C Orion, mua đồng bộ biến thể chống ngầm SC-130J Sea Hercules.

Sau khi Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam vào ngày 23-5 vừa qua, giới chuyên gia đã lập tức bình luận, đánh giá về các loại vũ khí, trang bị Mỹ mà Việt Nam sẽ mua sắm đầu tiên. Trong đó nổi lên 2 quan điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là về trang bị bảo đảm, Việt Nam sẽ mua máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion và máy bay vận tải hạng trung C-130J Hercules, thứ 2 là về trang bị tác chiến, Việt Nam sẽ mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16 và tàu tác chiến ven bờ LCS của Mỹ.

Trong khuôn khổ bài này, chúng ta sẽ phân tích quan điểm thứ nhất là loại vũ khí, trang bị đầu tiên mà Mỹ bán cho Việt Nam là máy bay tuần tra hàng hải, tuần tiễu chống ngầm đã loại biên được tân trang P-3C Orion và máy bay vận tải C-130 Hercules.

Hiện điểm yếu nhất của hải quân Việt Nam là khả năng tác chiến chống ngầm. Do đó, Việt Nam sẽ mua trang bị đầu tiên là máy bay tuần tiễu chống ngầm của Mỹ là điều rất hợp lý. Nhưng đó là loại nào thì càn phải suy xét cặn kẽ.

Tìm hiểu sơ bộ tính năng của P-3C4 Orion

Máy bay trinh sát, chống ngầm cất cánh từ đất liền P-3C Orion do Công ty Lockheed Martin chế tạo, chủ yếu dùng để thực hiện tác chiến săn ngầm trên biển tầm xa, tác chiến chống hạm và yểm hộ cho biên đội tàu sân bay trên toàn cầu, trong mọi điều kiện thời tiết.

Viet Nam nen bo P-3C Orion, mua sat thu san ngam SC-130J

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion của Mỹ

P-3C phiên bản cơ bản có chiều dài 35,6 m, sải cánh 30,4 m, trọng lượng cất cánh tối đa 64,4 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt, tốc độ trên 600 km/h, hành trình tối đa 9000 km, bán kính hoạt động tối đa gần 4000 km với phi hành đoàn 11 người.

Phần bụng phía trước máy bay này thiết kế 1 khoang đạn có kích thước 3,91m x 2,03m x 0,088m, dưới cánh máy bay có 10 giá treo vũ khí.

P-3C4 Orion được trang bị các loại bom chìm, thủy lôi, ngư lôi hạng nhẹ 324mm Mk-46 hoặc ngư lôi hạng nặng Mk-54, tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, được bố trí trong khoang giữa thân hoặc các điểm treo ngoài cánh.

Ngoài ra, P-3C còn có khả năng mang theo cả tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, bom thông thường… Thiết bị trinh sát ngầm mang theo là các loại radar, thiết bị thăm dò từ tính và hồng ngoại, ngoài ra còn hệ thống phao sonar, phao nước và pháo sáng….

Thế hệ máy bay P-3 đã phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ được 40 năm, kiểu cuối cùng trong thuộc thế hệ này là máy bay P-3C “Orion” đã ngừng sản xuất năm 1990. Phiên bản mới nhất của dòng này là P-3C4 mới được nâng cấp.

Viet Nam nen bo P-3C Orion, mua sat thu san ngam SC-130J

P-3C có khả năng mang theo tên lửa không đối hạm AGM-84E SLAM và ngư lôi Mk-54 (Ảnh nhỏ)

Nội dung nâng cấp gồm: Trang bị hệ thống liên kết truyền số liệu theo chuẩn Link 16, thông tin vệ tinh băng thông rộng được mã hóa của vệ tinh thông tin hàng hải quốc tế và hiển thị hình ảnh chiến thuật tích hợp dựa trên hệ điều hành Windows.

Trong đó, hệ thống liên kết truyền dữ liệu Link 16 chủ yếu dùng cho chia sẻ dữ liệu với lực lượng NATO; hệ thống thông tin vệ tinh cung cấp truyền dữ liệu giao thức internet và cuối cùng là thực hiện kết nối thông tin bằng video trực tuyến.

Ngoài ra, đầu năm 2012, không quân của hải quân Mỹ còn cải tạo lại kỹ thuật hệ thống âm thanh, tăng cường khả năng tiếp nhận phao sonar cho các máy bay P-3C4 Orion, từ 48 lên 74 chiếc.

Mặc dù được nâng cấp mạnh nhưng những chiếc P-3 mới nhất cũng đã sản xuất được hơn 25 năm, khung thân đã cũ, thời hạn sử dụng không còn dài. Do đó, mua P-3C4 cũng không phải là một giải pháp tối ưu nếu so với một phương án mua sắm khác: Đó là SC-130J.

Việt Nam nên bỏ P-3C, mua đồng bộ C-130J và SC-130J

Hiện Việt Nam chỉ có máy bay vận tải quân sự chiến thuật hai động cơ EADS CASA C-295 của hãng Airbus Military. Tuy nhiên, tính năng của nó không thể sánh được với máy bay vận tải hạng trung C-130 Hercules của hãng Lockheed Martin - Mỹ

C-295 chỉ có tải trọng hàng hóa tối đa là 9 tấn, trong khi C-130 có thể mang được tới 20 tấn, bao gồm 92 hành khách hay 64 lính nhảy dù hoặc 74 bệnh nhân nằm giường, với 2 nhân viên y tế (khi sử dụng làm phiên bản máy bay cứu thương).

Ngoài ra, khoang hàng rộng hơn và tải trọng lớn hơn cũng khiến C-130 có thể chuyên chở cả các loại trang bị nặng và cồng kềnh như xe bọc thép chở quân hay xe chiến đấu bộ binh...

C-130 còn có thể cất cánh từ các đường băng ngắn của các sân bay dã chiến với tải trọng tối đa, thuận tiện cho việc vận chuyển đến các vùng biên giới, hải đảo thiếu cơ sở vật chất quy chuẩn.

Do đó, có thể nhận định rằng việc Việt Nam mua sắm máy bay C-130 để nâng cao năng lực vận tải cũng là điều hợp lý, trong bối cảnh tác chiến hiện đại cần vận chuyển nhiều hàng hóa, trong thời gian ngắn.

 

Máy bay vận tải EADS CASA C-295 của không quân Việt Nam

Ngoài ra, việc trong tương lai Việt Nam có thể sẽ tham gia các hoạt động quốc tế cũng sẽ khiến chúng ta cần đến loại máy bay vận tải này để chuyên chở lực lượng, phương tiện đến những khu vực xa xôi, địa hình phức tạp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là trong thời gian qua, đã xuất hiện thông tin Việt Nam có quan tâm đến biến thể tuần tra hàng hải và chống ngầm SC-130J Sea Hercules của dòng C-130. Nếu chúng ta sắm biến thể này thay vì mua P-3C thì sẽ là điều “nhất cử lưỡng tiện”.

Theo Lockheed Martin, SC-130J được trang bị đầy đủ những tính năng chống ngầm của P-3C4 Orion (những tính năng đó chúng ta đã xem ở phần trên), biến nó thành phiên bản Orion trên khung thân mới hơn, tiềm tàng khả năng có thể nâng cấp thêm.

SC-130J có trọng lượng không tải 34.274 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 79.378 kg, tốc độ tối đa 671 km/h, tốc độ hành trình 643 km/h, tầm hoạt động 5.250 km, trần bay 12.310m, trần bay trinh sát tốt nhất khoảng 7-8.000m.

Hiện tại vẫn chưa rõ trọng lượng vũ khí mà SC-130J mang theo được là bao nhiêu, nhưng với tải trọng hữu ích mang theo lên tới 19.050 kg của C-130J thì chắc chắn lượng vũ khí của nó sẽ không thể thua kém con số 9.100 kg của P-3C Orion.

 

Máy bay tuần tiễu chống ngầm SC-130J Sea Hercules

Nếu quyết định đặt mua SC-130J thay vì P-3C cũ thì chúng ta sẽ có một máy bay tuần tra chống ngầm mới, hiện đại hơn, có tính năng toàn diện, hơn nữa lại khắc phục được nhược điểm về dự trữ thời gian hoạt động không còn dài của P-3C4 Orion.

Một vấn đề khá quan trọng là giá của C-130J và cả SC-130J đều không đắt (cả 2 hiện vẫn đang được sản xuất, với đơn giá khoảng trên 30 triệu USD/chiếc C-130J). nếu mua được máy bay dư thừa của Mỹ (không phải máy bay cũ) thì giá còn rẻ hơn.

Ngoài ra, việc sở hữu cả 2 loại máy bay cùng 1 dòng C-130 sẽ giúp Việt Nam rất thuận tiện trong công tác đào tạo, huấn luyện, đồng thời có thể sử dụng chung các cơ sở bảo đảm cho chúng, tiết kiệm được chi phí.

Do đó, phương án từ bỏ P-3C để mua bộ đôi C-130 và SC-130J là phương án hợp lý nhất đối với Việt Nam.

Theo Thiên Nam (Đất Việt)