Thế giới

Việt Nam: Khách hàng ưu tiên số 1 của BrahMos?

Theo một số nguồn tin Nga, Việt Nam có thể là khách hàng đầu tiên, ưu tiên số 1 mua tên lửa hành trình tầm xa BrahMos của liên danh Nga-Ấn.

Theo một số nguồn tin Nga, Việt Nam có thể là khách hàng đầu tiên, ưu tiên số 1 mua tên lửa hành trình tầm xa BrahMos của liên danh Nga-Ấn.

Hoàn thiện phiên bản phóng từ trên không với các tiêm kích dòng Su-30MK

 
Tại Triển lãm MAKS-2015, Tổng Giám đốc xí nghiệp liên doanh Nga-Ấn “BrahMos Aerospace”, ông Sudhir Mishra đã khẳng định với đại diện RIA Novosti rằng, đề án thành công nhất cho đến nay, được đưa vào phục vụ trong lực lượng vũ trang Ấn Độ, là tên lửa hành trình siêu âm "BrahMos".
 
Ông nhấn mạnh, trong những năm gần đây quan hệ của Nga và Ấn Độ chuyển từ hình thái “khách mua hàng-nhà cung cấp" sang hợp tác quân sự-kỹ thuật song phương với những dạng thức phức tạp hơn, bao gồm cả cùng chung thiết kế-chế tạo phát triển các thiết bị quân sự và vũ khí.
 
Về thực trạng của đề án hiện đại "BrahMos", ông Mishra cho biết, tên lửa và bệ phóng đều đã sẵn sàng. Tập đoàn HAL đã hiện đại hóa chiến đấu cơ đa năng Su-30MKI và tích hợp bộ phận phóng với máy bay tiêm kích. Những chuyến bay đầu tiên của tiêm kích này với bệ phóng BrahMos đã diễn ra tốt đẹp.
 
Hiện nay, Ấn Độ đang chuẩn bị cho đợt thử nghiệm lần chót với bệ phóng tên lửa từ máy bay. Những bệ phóng này được thử nghiệm với định dạng tương thích với các dòng chiến đấu cơ Su-30MK của Nga và vụ phóng thử đầu tiên sẽ tiến hành thường xuyên vào đầu năm 2016.
 
Việc tích hợp tên lửa "BrahMos" với Su-30MKI sẽ trao cho Không lực Ấn Độ thứ vũ khí tầm xa đáng gờm.
 

Tên lửa hành trình chống hạm BrahMos và tiêm kích Su-30MKI

 
Các máy bay chiến đấu dòng Su-30MK có thể tiếp nhiên liệu trên không và đạt phạm vi tác chiến tới gần 3.000 km, còn tầm bắn lên tới 300km của "BrahMos" cho phép phóng tên lửa từ cự ly an toàn, mà không khiến bản thân chiếc chiến đấu cơ lọt vào vùng tấn công.
 
Hoàn thiện các phiên bản khác
 
Phiên bản không đối đất của tên lửa "BrahMos" có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn so với các phiên bản khác, với trọng lượng 2,5 tấn, với tầm phóng tương đương ở khoảng cách 290 km. Tên lửa mang đầu đạn 300 kg và có khả năng đánh trúng mục tiêu trên mặt đất với độ chính xác cao.
 
Được trang bị trên nền tảng vũ khí không quân có sức hủy diệt mạnh như Su-30MKI, tổ hợp này sẽ nhân lên tiềm năng của Không lực Ấn Độ về triệt hạ mục tiêu kẻ thù với cú phóng từ khu vực ngoài phạm vi hiệu lực của phòng không.
 
Cho đến nay chưa hề có không quân của nước nào được trang bị tên lửa hành trình siêu âm chống hạm/đối đất có tính năng mạnh đến như vậy.
 
Tên lửa "BrahMos" còn thích hợp hoàn hảo với vai trò vũ khí tấn công chính của các tàu ngầm. Lãnh đạo “BrahMos Aerospace” đang trông đợi trong thời gian tới, chính phủ nước này sẽ sớm công bố mở đấu thầu về vũ khí tấn công dành cho tàu ngầm R-75I.
 

Mô hình tàu ngầm AIP lớp Lada của Nga phóng tên lửa BrahMos

 
Với những tính năng chống hạm vượt trội của dòng tên lửa này, hệ thống tên lửa của liên doanh Nga-Ấn được thành lập năm 1998 sẽ là lựa chọn tiềm năng tốt nhất cho 6 tàu ngầm mới, được trang bị động cơ AIP, mà Hải quân Ấn Độ dự kiến mua sắm.
 
Ngoài ra, hiện nay các công việc nghiên cứu về dự án chế tạo tên lửa tấn công siêu thanh "BrahMos" với phạm vi tấn công không đổi nhưng có vận tốc siêu thanh, đang được xúc tiến ở cả 2 bên, phía Ấn Độ là Viện Khoa học Ấn Độ và Đại học Hàng không Moscow (MAI).
 
Tên lửa mới này là một loại vũ khí có tính cách mạng, đủ sức bay với vận tốc siêu thanh Mach7. Cấu hình chính xác của hệ thống tân kỳ này hiện chưa phân định, việc chế tạo nguyên mẫu tên lửa siêu thanh "BrahMos" có thể mất khoảng 6-7 năm.
 
Tăng cường xuất khẩu tới Đông Nam Á và Việt Nam
 
Ngoài ra, Ấn Độ đang phát triển phiên bản tên lửa chuyên dụng cho máy bay chiến đấu là Brahmos-M. Nó được thiết kế để trang bị cho máy bay chiến đấu Su-30MKI (cũng có thể cho các phiên bản Su-30MK và Su-30SM) cùng với MiG-29.
 
Tiêm kích hạng nặng dòng Su có thể mang được 3 quả BrahMos-M, trong khi MiG-29K sẽ mang được 2 quả. Đây là ưu điểm cực lớn để các tên lửa này được các quốc gia đang sử dụng máy bay Nga ưa chuộng.
 
Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt khách hàng tiềm năng từ các nước thế giới thứ ba đang quan tâm đến "đứa con đẻ" của Nga và Ấn Độ. Theo các nguồn tin, Indonesia, Malaysia, Venezuela và Việt Nam đã từng đánh tiếng mua tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.
 
Đây là các nước đã sở hữu những tiêm kích dòng Su-30MK của Nga, có thể mang tên lửa BrahMos giống phiên bản Su-30MKI của Ấn Độ. Đặc biệt là hiện nay Việt Nam đã nằm trong danh sách 15 nước được phép mua tên lửa BrahMos do Hội đồng Giám sát Nga - Ấn Độ thông qua.
 
Ngoài ra, “BrahMos Aerospace” đang hy vọng là tên lửa "BrahMos" sẽ được lắp đặt trên các chiến hạm được chế tạo dành cho Hải quân Nga. Tất nhiên là điều này sẽ làm tăng khả năng xuất khẩu của các tàu hộ vệ và khu trục Nga đối với “các nước bạn bè thứ ba”.
 

Chiến hạm INS Ranvir thuộc lớp Rajput của Ấn Độ phóng tên lửa hành trình BrahMos

 
Phương án hai lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới sẽ sở hữu cùng một lớp hệ thống vũ khí như nhau chắc chắn sẽ làm cho đề án 1135.6 trở thành lựa chọn thú vị về vũ khí cho các nước khác của khu vực Đông Nam Á hiện đang duy trì quan hệ thân thiện với cả Nga và Ấn Độ.
 
Được biết, trong thời gian tới Nga và Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các tàu hộ vệ hạng trung, có lượng giãn nước khoảng 4000 tấn, đủ khả năng mang tải các tên lửa hạng nặng như BrahMos, đặc biệt là dự án tàu hộ vệ Project 11356 lớp Krivak III cải tiến (Ấn Độ gọi là lớp Talwar).
 
Hiện Việt Nam mới sở hữu các tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, dự án 11661, có lượng giãn nước chỉ bằng nửa của dự án 11356 nên chỉ có khả năng mang các tên lửa cận âm, có trọng lượng nhẹ hơn là Kh-35 Uran E.
 
Trong kế hoạch tăng cường thực lực hải quân, nếu mua sắm các tên lửa BrahMos, song song với phiên bản không quân giành cho Su-30MK2, các nước hoàn toàn có thể nghĩ tới các chiến hạm lớp Talwa/Krivak III mang tên lửa BrahMos như của Ấn Độ.
 

Hệ thống tên lửa bờ đối hạm BrahMos

 
Song song với đó, cũng có thể nghĩ tới phiên bản bờ đối hạm của tên lửa BrahMos. Hiện Việt Nam đang sở hữu 2 tổ hợp tên lửa K-300P Bastion P, sử dụng tên lửa P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx), là tên lửa nguyên mẫu chế tạo BrahMos.
 
Theo chuyên gia Nga Sergey Denisentsev viết trên tạp chí Moscow Defense Brief hồi giữa tháng 7, Việt Nam được xếp số 1 trong danh sách và được nhấn mạnh với tư cách là khách hàng quan trọng nhất của Ấn Độ và có khả năng đây sẽ là khách hàng đầu tiên đặt mua tên lửa của BrahMos Aerospace.
 
Thời gian gần đây, mối quan hệ quốc phòng giữa 2 nước đang nồng ấm hơn bao giờ hết, với việc Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo trong lĩnh vực hải quân, không quân và thông tin liên lạc, trong đó đặc biệt đáng chú ý là việc đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo.
 
Do đó, nếu Việt Nam thực sự quan tâm tới tên lửa BrahMos, chắc chắn Ấn Độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với nhiều nước khác.
 
>> Báo Nga: Việt Nam nằm trong danh sách được phép mua tên lửa BrahMos
>> Vì sao Việt Nam vẫn chưa đặt mua tên lửa BrahMos?
 
Theo Nhật Nam (Đất Việt)