Thế giới

Việt Nam đã có tên lửa Uran-E phiên bản phóng từ trên không?

Nếu được trang bị tên lửa đối hạm Kh-35 Uran-E, máy bay tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam sẽ có thêm cánh tay nối dài cực kỳ lợi hại.

Nếu được trang bị tên lửa đối hạm Kh-35 Uran-E, máy bay tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam sẽ có thêm cánh tay nối dài cực kỳ lợi hại.
Theo một quyết định được đưa ra vào tháng 4/1984, OKB Zvezda bắt đầu tiến hành nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa chống tàu đa năng thế hệ mới có thể phóng đi từ tàu mặt nước, máy bay hoặc từ đất liền.
 
Loại tên lửa này sau đó được định danh là Kh-35 (phiên bản phóng từ máy bay) hay 3M24 (phiên bản phóng từ tàu chiến), nó gần như là bản copy của tên lửa chống tàu AGM/RGM-84 Harpoon khi giống từ ý tưởng đến hình dạng và các đặc tính kỹ chiến thuật.
 

Tên lửa Kh-35E (phiên bản phóng từ trên không)

 
Phiên bản phóng từ trên không Kh-35 có thể được bắn ở độ cao từ 200 - 5.000 m và đạt tới tầm xa 150 km.
Tên lửa được thiết kế để tấn công các tàu chiến nhỏ có tốc độ cao như tàu tên lửa, tàu phóng lôi của kẻ thù và cũng có thể sử dụng để tấn công tàu vận tải có lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn.
 
Đối tượng tác chiến của Kh-35 (3M24) Uran thường là những mục tiêu mà không yêu cầu phải triển khai các hệ thống tên lửa đối hạm tinh vi như Moskit hay Oniks, đó là lí do vì sao Kh-35 Uran có kích thước khá nhỏ và ít phức tạp.
 
Đầu dò của tên lửa được tối ưu hóa cho việc tấn công những tàu xuồng có diện tích phản xạ radar thấp và tốc độ di chuyển cao.
 
Tên lửa được trang bị một đầu đạn HE nhẹ có trọng lượng 145 kg, mặc dù có một vài nguồn khác cho rằng trọng lượng thực sự của đầu đạn chỉ là 90 kg.
 

Tên lửa 3M24 (phiên bản phóng từ tàu chiến)

 
Vào đầu những năm 1990, phiên bản phóng từ tàu chiến với ký hiệu 3M24 được thử nghiệm, tầm bắn tối đa của biến thể này đạt 130 km, tên lửa sử dụng động cơ khỏi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình turbojet nhiên liệu lỏng.
 
Ở giai đoạn hành trình, 3M24 bay ở độ cao 10 - 15 m với tốc độ 280 m/s. Đến giai đoạn cuối, tên lửa hạ độ cao xuống rất thấp chỉ cách mặt biển 3 - 5 m và giữ nguyên tốc độ.
Đầu dò radar chủ động ARGS-35 của 3M24 quét được ở góc phương vị -45o - +45o, góc tà -20o - +10o, tầm hoạt động tối đa đạt 20 km.
 

Một phần trong bản báo cáo của SIPRI

 
Theo số liệu mới nhất của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đặt mua tổng cộng 400 tên lửa Uran-E từ Nga và hiện đã nhận 128 quả để trang bị cho các tàu chiến Gepard 3.9 và Molniya 1241.8.
 
Tuy nhiên bản báo cáo trên có một điểm bất thường, đó là các tên lửa này đều được đánh ký hiệu là Kh-35 (phiên bản phóng từ trên không) chứ không phải 3M24 (phiên bản phóng từ tàu chiến).
 
Do vậy chúng ta có thể nghĩ tới một khả năng là trong số 400 tên lửa Uran-E này bao gồm cả biến thể phóng từ máy bay thay vì toàn bộ là phiên bản phóng từ tàu mặt nước.
 

Su-30MK2 của Việt Nam phóng tên lửa Kh-31A trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Truyền hình Quân đội nhân dân

 
Hiện nay vũ khí chống hạm chủ lực đã được công bố rộng rãi của máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 là tên lửa Kh-31A. Mặc dù Kh-31A có tốc độ rất cao nhưng lại có nhược điểm là tầm bắn chỉ đạt 50 km và đầu đạn mang theo chỉ có trọng lượng 90 kg.
 
Vì vậy nếu được trang bị tên lửa Kh-35 Uran-E với tầm bắn 150 km, Su-30MK2 của Việt Nam sẽ có thêm cánh tay nối dài cực kỳ lợi hại, đủ duy trì ưu thế vượt trội trong tác chiến không đối hải nhằm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
>> R-60 - Tên lửa đối không nhẹ nhất thế giới của Việt Nam
 
Theo Hải Dương (Dailo.vn)