Thế giới

Vì sao Trung Quốc nôn nóng muốn có Su-35 ngay năm nay?

Theo tin của truyền thông Trung Quốc, nước này có thể ký hợp đồng mua sắm chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 của Nga vào cuối năm nay.

Theo tin của truyền thông Trung Quốc, nước này có thể ký hợp đồng mua sắm chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 của Nga vào cuối năm nay.

Trong khi tham dự triển lãm hàng không quốc tế Paris, tổ chức ở sân bay Bourget, ông Yuri Slyusar - Tổng giám đốc UAC nói: “Chúng tôi hy vọng, cuối năm nay sẽ hoàn tất việc ký kết hợp đồng đã được thương thảo liên tục trong vòng mấy năm qua”.

Được biết, Moscow và Bắc Kinh đã ký kết “Bị vong lục” (Biên bản ghi nhớ) về việc Nga cung cấp cho Trung Quốc các số lượng máy bay chiến đấu Su-35 đủ trang bị cho một trung đoàn. Tuy nhiên, hợp đồng chính thức về gói mua sắm này vẫn chưa được ký kết.

Nguyên nhân được các chuyên gia quân sự đoán là do Bắc Kinh muốn Nga tích hợp thêm một số yếu tố công nghệ của mình vào phiên bản xuất khẩu cho Trung Quốc, đồng thời còn có một số vướng mắc về tham số kỹ thuật của phiên bản xuất khẩu này.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga được coi là vượt trội các máy bay đồng hạng của phương Tây

 
Được biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-35 là sản phẩm của Tập đoàn chế tạo hàng không Sukhoi, được nghiên cứu-phát triển trên cơ sở nguyên mẫu của chiến đấu cơ T-10C. Nó được đánh giá là vượt trội các chiến đấu cơ cùng thế hệ của Mỹ và châu Âu.

Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã cho ra mắt phiên bản mới nhất của dòng chiến đấu cơ J-11 là J-11D, được trang bị radar mảng pha chủ động AESA và các hệ thống điện tử hàng không mới nhất do nước này tự sản xuất. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tỏ ra sốt sắng với thương vụ Su-35.

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự quốc tế, Trung Quốc cần Su-35 bởi nước này chưa sản xuất được một động đủ mạnh và đáng tin cậy, nên các máy bay chiến đấu quốc nội dù mạnh đến đâu vẫn chưa phải là đối trọng với các tiêm kích hiện đại trong khu vực như F-15J, F-2 của Nhật, Su-30MKM của Malaysia, Su-30MK2 của Indonesia…

Ngoài ra, những yếu kém này cũng khiến 2 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc là J-20 và J-31 của 2 Tập đoàn hàng không hàng đầu Trung Quốc là Thành Đô và Thẩm Dương vẫn đang thử nghiệm với các động cơ cũ, sản xuất theo công nghệ thập niên 80 thế kỷ trước là Klimov RD-93 (phiên bản xuất khẩu của RD-33) và Sartun AL-31FN của Nga.
 

2 tiêm kích thế hệ 5 Trung Quốc là J-31 và J-20 đang thử nghiệm với động cơ cũ của Nga

 
Những động cơ này thường dùng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đời đầu, nay Nga đã phát triển những phiên bản mạnh hơn nhiều. Việc sử dụng những động cơ không đủ tiêu chuẩn làm chiến đấu cơ thế hệ 5 Trung Quốc khó đạt vận tốc bay hành trình siêu âm, khiến quá trình thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn.

Bởi vậy, việc mua được Su-35 và một số động cơ dự trữ sẽ giúp Trung Quốc có thể mổ xẻ, học hỏi công nghệ động cơ Nga để đẩy nhanh tốc độ chế tạo thế hệ động xơ WS-10, WS-13 và WS-15 của nước này, đồng thời dùng một số chiếc cho quá trình thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Được biết, động cơ 117S tức AL-41F1S thuộc thế hệ động cơ phản lực vector đa hướng AL-41F, có độ linh hoạt rất cao và lực đẩy lên tới 14.500kg, hơn động cũ AL-31F tới 2000kg và các phiên bản mới nhất thuộc dòng này như AL-31FP hay AL-31FM tới 1000kg.

Sức mạnh và sự linh hoạt của nó đã được chứng minh khi chính Nga cũng sử dụng loại động cơ này trong quá trình thử nghiệm đầu tiên của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA Sukhoi T-50 của mình.

Sức mạnh vượt trội của Su-35 so với các máy bay chiến đấu quốc nội của Trung Quốc và mong muốn “tham khảo công nghệ động cơ tiên tiến của Nga” để nâng tầm ngành công nghiệp hàng không nội địa đã khiến “mua bằng được Su-35” trở thành một “nhiệm vụ cấp bách” của Trung Quốc.
 
Theo Thiên Nam (Đất Việt)