Thế giới

Tụt hậu so với xe tăng Nga: Bài toán khó cho Mỹ

Việc trang bị APS cho xe tăng, xe thiết giáp Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn ngay cả khi Mỹ có thể mua về và triển khai hệ thống Trophy

Việc trang bị APS cho xe tăng, xe thiết giáp Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn ngay cả khi Mỹ có thể mua về và triển khai hệ thống Trophy

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột dải Gaza năm 2014 với Hamas, mặc dù sử dụng cùng loại vũ khí của Nga, không một xe tăng Merkava hay xe bọc thép nào của Israel bị tiêu diệt. Lý do là bởi Israel đã hoàn thiện Hệ thống Bảo vệ Chủ động (APS) mang tên Trophy, qua đó các xe tăng của họ có độ bền cao hơn trước.

Trong khi đó, Mỹ chưa từng phải đối đầu với một đối thủ đáng gờm nào trong hai thập kỷ qua, và hậu quả là các xe tăng M1 Abrams của họ không có APS.

Tut hau so voi xe tang Nga: Bai toan kho cho My
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ

Theo một báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ, quân đội Mỹ đang phải đối đầu với không dưới 8 loại vũ khí chống tăng tại Syria. Điều đáng chú ý đó là phần lớn các loại tên lửa chống tăng này đều bắt nguồn từ Nga, và chúng đều rất hiệu quả trong việc đánh bại các loại xe tăng Mỹ.

Sự thật đau buồn

Trên thực tế, việc trang bị APS cho các xe tăng và xe thiết giáp Mỹ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả khi Mỹ có thể mua về và triển khai hệ thống Trophy của Israel, họ vẫn còn phải xem xét rất nhiều yếu tố khác nhau.

Vốn được trang bị hệ thống cảm biến để phát hiện và ngăn chặn những hiểm họa trong điều kiện chiến trường thay đổi với tốc độ chóng mặt, APS nhất thiết phải có khả năng tự động hoạt động, và như vậy nguy cơ hỏng hóc của chúng là khá cao. Ngoài ra, APS cũng sử dụng một loại đạn chùm nhằm ngăn chặn xe tăng của đối phương. Điều này có thể khiến binh lính quanh xe tăng cũng bị thương.

Mỹ luôn chú trọng đến việc bảo vệ mạng sống và tài sản của quân đội cũng như dân sự, do đó họ phải tìm ra một giải pháp thích hợp nhằm thỏa mãn những vấn đề trên.

Trong khi đó, Nga tuyên bố đã gần hoàn thiện T-14 Armata, một loại xe tăng chiến đấu được trang bị một loại pháo cỡ nòng lớn, giáp phản ứng hiện đại và một hệ thống APS tự động.

Mặc dù khả năng của T-14 vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi, song điều này cho thấy sự lợi hại của các loại vũ khí chống tăng cầm tay mà phiến quân trên thế giới đang sử dụng.

Để có thể đảm bảo ưu thế trên chiến trường, Mỹ cần phải tìm ra giải pháp thích hợp để nâng cao khả năng sống sót cho các loại xe thiết giáp mà mình đang có.

Trước đó, trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 8/4, Tướng Mark Millie, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ cho biết, Mỹ tụt hậu về tiềm lực pháo binh ở châu Âu so với Nga.

Khi đề cập đến pháo binh và xe tăng Nga tại cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông Millie nói: "Chúng tôi không thích như vậy, chúng tôi không muốn điều đó, nhưng thực sự họ có phạm vi hoạt động lớn hơn và nhiều nòng pháo hơn".

Về phía Nga, hồi tháng 5/2015, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định: Các quốc gia nước ngoài sẽ rất khó khăn để bắt kịp xe tăng Armata thế hệ mới và ngành công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga, khi chúng đang đi trước khoảng 20 năm so với những gì tương tự họ đã đạt được.

Tuyên bố của ông Rogozin được đưa ra sau khi báo chí Đức đưa tin rằng Berlin đang có kế hoạch hợp tác với Pháp để phát triển một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới.

Phát biểu trên kênh truyền hình NTV, ông Rogozin nói: ''Tất nhiên, kế hoạch của họ khá thực tế bởi đây là các quốc gia công nghệ cao với những nền tảng và tiềm năng kỹ thuật mạnh mẽ. Nhưng tôi cho rằng Pháp và Đức, hay ngay cả Mỹ, Israel - những nước tự sản xuất xe tăng - sẽ đều thấy việc này rất khó''.

Theo ông Rogozin những quốc gia này đang tụt hậu so với Nga khoảng 15 - 20 năm nếu so về công nghệ chế tạo xe tăng tiên tiến. ''Ngay cả nếu họ làm ra được thứ tương tự như của chúng ta thì tới lúc đó, chúng ta đã chế tạo ra được thứ khác rồi'', Phó Thủ tướng Nga khẳng định.

Theo Hà Giang (Đất Việt)