Thế giới

Tương lai quân đội Liên minh châu Âu khi Anh rời EU

Nước Anh đóng góp 75 tàu chiến các loại, 296 xe tăng, 441 máy bay trong quân đội Liên minh châu Âu. Việc nước này rời EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực của quân đội EU.

Nước Anh đóng góp 75 tàu chiến các loại, 296 xe tăng, 441 máy bay trong quân đội Liên minh châu Âu. Việc nước này rời EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực của quân đội EU.

Cường kích Tornado của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: RAF

Người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 43 năm gắn bó bằng cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày 23/6. Việc Anh rời khỏi EU đã gây ra những tác động tiêu cực đối với kinh tế, chính trị và quân sự của Anh nói riêng và EU nói chung.

Theo trang web của Quân ủy Liên minh châu Âu, quân đội Liên minh châu Âu được hình thành dựa trên chính sách an ninh và quốc phòng chung theo Điều 42 trong Hiệp ước Liên minh châu Âu (còn gọi là Hiệp ước Maastricht).

Ủy ban Quân sự Liên minh châu Âu (EUMC) chính thức được thành lập vào ngày 22/1/2001 nhằm điều phối các hoạt động quân sự chung. 

Quân đội Liên minh châu Âu có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động đảm bảo an ninh quốc phòng chung, gìn giữ hòa bình, quản lý khủng hoảng, kiến tạo hòa bình và hợp tác cùng Hiệp ước Quân sự bắc Đại Tây Dương (NATO) trong các hoạt động phòng thủ chung. 

Trong 28 nước thành viên EU, 22 nước là thành viên NATO. Do đó, hoạt động của quân đội EU có mối quan hệ mật thiết với NATO.

Ngày 12/7/2004, Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) được thành lập có trụ sở tại Brussels, Bỉ. EDA có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước EU trong việc phát triển các hệ thống vũ khí mới và cải thiện năng lực phòng thủ chung. Dự án phát triển máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon là ví dụ điển hình về vai trò thúc đẩy hợp tác của EDA.

Quy mô lực lượng

Theo số liệu thống kê của EDA năm 2012, quân đội Liên minh châu Âu có quân số khoảng 1,5 triệu quân. Trong đó, Pháp đóng góp quân số đông nhất 218.200 binh lính, tiếp theo là Anh 205.810 quân. Đức đứng thứ 3 với 191.712 người.

Tuong lai quan doi Lien minh chau Au khi Anh roi EU hinh anh 1
Tiêm kích Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh là một trong những trụ cột trong năng lực tác chiến trên không của quân đội EU. Ảnh: Eurofighter Typhoon

Theo số liệu lưu trữ được EDA cung cấp, ngân sách quốc phòng quân đội Liên minh châu Âu năm 2012 ước tính 192,5 tỷ Euro (khoảng 212,2 tỷ USD). Ngân sách này được cộng dồn từ ngân sách quốc phòng của các nước thành viên. Trong đó Anh có ngân sách cao nhất 42,6 tỷ Euro, Pháp đứng thứ 2 với 39,1 tỷ Euro và thứ 3 là Đức với 32,4 tỷ Euro.

Hải quân Liên minh châu Âu có 546 tàu chiến các loại, trong đó có một tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. Anh cam kết sẽ đưa tàu sân bay Queen Elizabeth gia nhập lực lượng chung từ năm 2017. Hải quân Hoàng gia Anh đóng góp một tàu đổ bộ tấn công, 6 tàu khu trục, 13 tàu hộ vệ, 4 tàu tuần tra, 4 tàu ngầm hạt nhân và 15 tàu quét mìn.

Lực lượng mặt đất bao gồm 7.695 xe tăng chiến đấu chủ lực các loại. Anh đóng góp 296 xe tăng, Pháp 525 xe và Đức 815 chiếc. Trong số 18.819 xe thiết giáp các loại, Anh góp 1.368 xe, Pháp 2.876 xe và Đức 1.774 chiếc. Ngoài ra, trong 963 trực thăng chiến đấu, Anh đóng góp nhiều thứ 2 với 190 chiếc.

Lực lượng không quân có 2.448 máy bay chiến đấu các loại, trong đó Anh đóng góp 160 chiếc Typhoon, 87 Panavia Tornado. Đức góp 117 chiếc Typhoon, 116 cường kích Tornado.

Tương lai không rõ ràng

Tuong lai quan doi Lien minh chau Au khi Anh roi EU hinh anh 2
Tàu khu trục phòng không Type-45 của Hải quân Hoàng gia Anh bên cạnh tàu sân bay Charles de Gaulle trong một hoạt động chung. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Quân đội Anh có rút khỏi các cam kết chung trong quân đội Liên minh châu Âu hay không vẫn chưa rõ ràng. Theo Thỏa thuận Berlin Plus ký kết năm 2002 giữa EU và NATO, đôi bên có trách nhiệm trao đổi thông tin và phân loại theo các quy định về bảo vệ an ninh đối ứng.

EU có quyền trưng dụng tài sản của NATO trong các nhiệm vụ cần thiết, hỗ trợ lẫn nhau trong các nhiệm vụ phòng thủ chung. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động quân sự chung phải có sự chấp thuận của NATO. Khi NATO từ chối tham gia, EU mới có thể dẫn đầu một hoạt động quân sự nào đó.

“Phân chia, nhưng không tách rời” là khẩu hiệu mô tả mối quan hệ quân sự giữa EU và NATO. Anh có thể rút lực lượng khỏi quân đội Liên minh châu Âu sau khi rời EU. Điều này sẽ gây ra những biến động không nhỏ về ngân sách và lực lượng.

Tuy nhiên, Anh vẫn là thành viên NATO nên vẫn phải tuân thủ các quy định theo Thỏa thuận Berlin Plus. Do đó, hợp tác quân sự giữa Anh và EU có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ngày 23/6, đông đảo người dân Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc “rời bỏ” hay “ở lại” với Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu cho thấy phe ủng hộ ở lại chiếm đa số nhưng kết quả kiểm phiếu nói lên điều ngược lại. Với 52% cử tri ủng hộ Brexit, nước Anh đã có quyết định cuối cùng cho cuộc hôn nhân với EU. Kết quả Anh rời EU được cho là một cú sốc lớn và có thể gây ra những hậu quả chưa thể lường trước.

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.

Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).

Theo Quốc Việt (Zing.vn)