Thế giới

Tu-160M2: 'Superbomber' khiến chuyên gia Mỹ thán phục

Máy bay ném bom hiện đại hóa Tu-160M2 Blackjack của Nga làm cho các chuyên gia và giới truyền thông Mỹ hết lời ca ngợi.

Nga sẽ trang bị 50 máy bay ném bom Tu-160

“Lợi ích Dân tộc” (The National Interest) là tạp chí nổi tiếng của Mỹ thường xuyên đưa ra những đánh giá, bình luận về các loại vũ khí, trang bị của Nga. Tạp chí này vừa qua đã đăng bài viết của chuyên gia quân sự Mỹ Dave Majumdar, gọi máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 của Nga là "siêu máy bay ném bom" (Superbomber).

Tu-160 là oanh tạc cơ chiến lược siêu âm cánh cụp cánh xòe, sản phẩm của Phòng thiết kế Tupolev trong giai đoạn 1970-1980. Đây là máy bay ném bom siêu âm lớn nhất, nặng nhất và mạnh nhất trong lịch sử hàng không, với khối lượng cất cánh lên tới 275 tấn.

Tu-160 được các phi công Liên Xô gọi là “Thiên nga trắng” do có lớp sơn màu trắng và thiết kế độc đáo, được chế tạo trong thời kỳ chiến tranh lạnh để đối chọi với máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-2 Spirit của Mỹ.

Tu-160 bắt đầu hoạt động trong lực lượng không quân chiến lược Liên Xô từ năm 1987 và nó đã trở thành một thành tố quan trọng trong bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược của Liên Xô và Nga hiện nay.

Quyết định khôi phục việc sản xuất oanh tạc cơ Tu-160 được Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua tháng 5/2015. Giới quân sự khẳng định, Tu-160M2 sẽ giữ lại hình ảnh của "Thiên nga trắng"; nhưng nó có tính năng hoàn toàn mới và hiệu quả sẽ tăng gấp 2,5 lần so với máy bay tiền nhiệm.

Đến tháng 2/2017, để duy trì năng lực và phát triển nhóm không quân tầm xa, ông Putin đã ra chỉ thị tổ chức sản xuất hàng loạt máy bay hiện đại hóa Tu-160M2; đồng thời thành lập nhóm chiến đấu Tu-160M2 trong lực lượng không quân chiến lược.

Trước đây, Tu-160M2 được dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2019, nhưng vị chuyên gia quân sự Mỹ lưu ý rằng, công việc hiện đại hóa Tu-160 Blackjack lên chuẩn M2 có lẽ sẽ được hoàn thành trước thời hạn.

Ông Majumdar nhận định, loại máy bay ném bom này có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2-2018. Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov cũng nói rằng chuyến bay đầu tiên của Tu-160M2 được lên kế hoạch vào năm tới.

Theo lời ông Borisov, chu trình sản xuất hàng loạt dự kiến bắt đầu vào năm 2022 và Quân đội Nga sẽ nhận được khoảng 50 máy bay ném bom siêu âm thế hệ mới. Về cơ bản Tu-160M2 sẽ có tính năng hoàn toàn mới, chỉ còn giữ lại khung thân của Tu-160.

Tu-160M2: 'Superbomber' khiến chuyên gia Mỹ thán phục
Máy bay ném bom Tu-160 Nga tham gia chiến dịch chống khủng bố IS ở Syria

Những tính năng số 1 thế giới của Tu-160

Đề cập đến thông tin trên một số phương tiện truyền thông, người phụ trách chuyên mục quân sự của tạp chí National Interest lưu ý rằng, Tu-160M2 là máy bay ném bom chiến lược kiềm chế hạt nhân, khác với các máy bay B-2 hay B-21 không có gì nổi bật của Mỹ. 

Nếu B-2 đã được thiết kế để thâm nhập càng sâu càng tốt vào không phận của đối phương, thì “Thiên nga trắng” là máy bay mang tên lửa hành trình tấn công tầm xa, mang đầu đạn thông thường và hạt nhân, hoạt động bên ngoài khu vực phòng không của đối phương.

Nếu như B-2 dựa trên cơ sở tàng hình, thì lợi thế của Tu-160 là sự kết hợp của tốc độ và tên lửa hành trình tầm xa. Tu-160 có thể đạt tốc độ tối đa 2.200 km/h, có khả năng nhanh chóng xuất phát và sử dụng tên lửa hành trình trước khi đối phương kịp phản ứng.

National Interest cho biết, Tu-160M2 sẽ có hệ thống buồng lái mới, các thiết bị điện tử vô tuyến mới, tổ hợp tác chiến điện tử, các thiết bị kiểm soát và nhiều máy máy móc mới; cùng với một động cơ thế hệ mới NK-32-02 tiết kiệm nhiên liệu và cho hiệu suất cao hơn.

Với tốc độ tương đương tiêm kích, khả năng mang vũ khí lớn hơn cả "pháo đài bay" B-52 của Mỹ (với 2 khoang vũ khí trong thân chứa tổng cộng 40 tấn bom, tên lửa), “Thiên Nga trắng” là "cơn ác mộng" đối với mọi đối thủ của nước Nga.

Tu-160M2 được trang bị các tên lửa hành trình chiến lược mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân Kh-55SM (X-55SM) hay Kh-101/Kh-102 (X-101/X-102). Mỗi chiếc Tu-160 có thể mang tới 16 tên lửa hành trình tầm xa Kh-101/102, có tầm phóng xa tới 5.500km.

Trong quá trình hoạt động quân sự ở Syria, máy bay Tu-160 Nga đã sử dụng tên lửa hành trình mới nhất phiên bản thông thường Kh-101, trước đó chưa bao giờ được sử dụng trong thực chiến. Đây là sự thử nghiệm hoàn hảo cho cả phiên bản đầu đạn hạt nhân Kh-102.

Một trong những ưu điểm chính của việc nâng cấp Tu-160 là cung cấp chức năng cảnh báo hạt nhân. Đây cũng sẽ là át chủ bài được trang bị trên các máy bay ném bom PAK DA tương lai.

Theo vị chuyên gia Mỹ, chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược Tu-160 sẽ nâng cao đáng kể khả năng của “tam hùng hạt nhân Nga” trong nhiều năm nữa, đảm bảo cho Moscow có phương tiện hiệu quả cao để đưa vũ khí hạt nhân đến nơi cần thiết.

Theo Nguyễn Ngọc (An Ninh Thủ Đô)