Thế giới

Trung Quốc khoe J-10C chiến thắng áp đảo Su-35SK trong không chiến

Những cuộc luyện tập đối kháng giữa chiến đấu cơ Trung Quốc sản xuất với tiêm kích mua từ Nga sẽ giúp họ xác định chính xác ưu nhược điểm sản phẩm.

Hiện tại bên cạnh dòng tiêm kích hạng nặng J-11B/D, J-16 và chiến đấu cơ tàng hình J-20 thì các tổ hợp công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tiêm kích hạng nhẹ J-10 với số lượng lớn.

Phiên bản J-10 đang tiếp tục được lắp ráp là J-10C, sản lượng vào khoảng 30 chiếc mỗi năm, đây là bước cải tiến hoàn thiện hơn từ biến thế J-10B vốn chỉ được xuất xưởng với số lượng rất ít là 52 chiếc trong giai đoạn 2014 - 2015.

Mặc dù nhìn bên ngoài không có quá nhiều khác biệt so với J-10B tuy nhiên J-10c thực sự là một dòng chiến đấu cơ mạnh mẽ hơn nhiều, thậm chí không ít ý kiến còn cho rằng đây là chiếc tiêm kích hạng nhẹ xuất sắc nhất thế giới vào lúc này.

Trung Quốc khoe J-10C chiến thắng áp đảo Su-35SK trong không chiến
Tiêm kích hạng nhẹ J-10C của Trung Quốc vừa rời dây chuyền lắp rắp

Đặc điểm nổi trội của tiêm kích J-10C đó là nó được trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA) do Trung Quốc tự chế tạo trong nước, đi kèm hệ thống điện tử hàng không tối tân, cho phép sử dụng những loại vũ khí tân tiến nhất.

Một chi tiết đáng chú ý nữa đó là Trung Quốc đang thử nghiệm tích hợp cho chiếc J-10C động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều WS-10B, đây dự kiến cũng là sản phẩm lắp cho tiêm kích tàng hình J-20, giúp chiếc chiến đấu cơ này có khả năng cơ động cực cao.

J-10C của Trung Quốc còn có khả năng tích hợp và dẫn bắn hết tầm cho tên lửa không đối không PL-15 cũng như PL-10. Kênh truyền hình quân sự Trung Quốc cho biết rằng trong một cuộc đối đầu trực tiếp với Su-35SK thì J-10C đã giành chiến thắng áp đảo.

Trung Quốc khoe J-10C chiến thắng áp đảo Su-35SK trong không chiến - 1
Một cuộc huấn luyện đối kháng giữa tiêm kích J-10 và J11 của Không quân Trung Quốc

Nếu xét về lý thuyết thì với những gì Trung Quốc quảng cáo, việc chiếc J-10C qua mặt Su-35SK cũng là điều dễ hiểu khi chiến đấu cơ Nga vẫn sử dụng radar mảng pha quét thụ động (PESA) N035 Irbis-E lạc hậu hơn cả một thế hệ và diện tích phản xạ radar của chiếc tiêm kích hạng nặng là rất lớn, khiến nó bị nhìn thấy từ xa hơn.

Bên cạnh đó, J-10C với động cơ 3D TVC cùng cặp cánh mũi và trọng lượng nhẹ mang lại khả năng thao diễn chẳng thua kém gì Su-35SK, chưa kể các loại tên lửa cận chiến của Trung Quốc được cho là có chế độ khóa mục tiêu sau khi phóng tiên tiến chẳng kém sản phẩm phương Tây.

Mặc dù vậy vẫn cần nhắc lại quá khứ, đó là trong một cuộc tập trận cũng do kênh truyền hình CCTV1 phát sóng thì J-10A đã thua thảm Su-27SK mang pod tác chiến điện tử, cho dù theo lý thuyết thì J-10A sẽ chiến thắng rất dễ dàng.

Do vậy nếu thực sự J-10C qua mặt su-35SK thì cũng cần tìm hiểu thêm cụ thể về kịch bản giao chiến để đưa ra kết luận chính xác hơn.

Theo Chí Linh (Báo Đất Việt)