Thế giới

Trung Quốc đưa 'sát thủ diệt Guam' vào trực chiến

Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mới đây đã biên chế 22 tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, hay còn được mệnh danh là “sát thủ diệt Guam”.

Trung Quốc đưa 'sát thủ diệt Guam' vào trực chiến
Các tên lửa DF-26 tạo ra mối đe dọa rõ ràng với hạm đội tàu sân bay và căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo Sputnik, tên lửa DF-26 được mệnh danh là “sát thủ diệt Guam” vì có tầm bắn 3.000-4.000km. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân, đủ sức đánh trúng “toàn bộ các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, bao gồm căn cứ trên đảo Guam”.

Quân đội Trung Quốc ngày 16.4 tuyên bố rằng, lữ đoàn tên lửa DF-26 đã được trang bị 22 xe phóng và đạn tên lửa DF-26. Các tên lửa này hiện được đặt trong tình trạng trực chiến.

Nhiệm vụ của lữ đoàn tên lửa DF-26 bao gồm “phản công nhanh bằng hạt nhân” và giáng “đòn tấn công thông thường tầm trung và tầm xa nhằm vào các mục tiêu mặt đất và mục tiêu tàu chiến trên biển”.

Trung Quốc hiện duy trì chiến lược không phát động trước cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào kẻ thù. Do đó, các tên lửa DF-26 trang bị đầu đạn hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng vào mục đích trả đũa.

Theo giới thiệu, DF-26 có khả năng phản ứng nhanh, tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất cùng các loại tàu chiến cỡ vừa và cỡ lớn trên mặt biển. Đây không chỉ là loại khí tài hiện đại trong hệ thống vũ khí tấn công, mà còn được coi là một trong những “sát thủ” chủ lực của quân đội Trung Quốc.

DF-26 từng được coi là “sát thủ tàu sân bay” được Bắc Kinh lần đầu giới thiệu với công chúng trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng năm 2015.

Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)