Thế giới

Trung Quốc đã "làm nhái" được bao nhiêu máy bay Su-27/30 của Nga?

Trình độ khoa học kỹ thuật có xuất phát điểm rất thấp, để hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc đã có sự "sáng tạo" mang "đậm màu sắc" của họ là "sao chép công nghệ".

Trình độ khoa học kỹ thuật có xuất phát điểm rất thấp, để hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc đã có sự "sáng tạo" mang "đậm màu sắc" của họ là "sao chép công nghệ".

Máy bay tiêm kích J-11B "sao chép" từ Su-27SK của Nga

Sao chép "trắng trợn" máy bay chiến đấu Nga

Có nhiều cách để "đi tắt, đón đầu" trong hiện đại hóa quân đội như hợp tác cùng phát triển vũ khí hay mua giấy phép, nhưng với phương cách "hết sức sáng tạo, mang đậm bản sắc Trung Quốc", nước này đã "sao chép" một cách "trắng trợn" dòng máy bay Su-27/30 của Nga.

Sự việc trên đã hé lộ khi Trung Quốc từ chối tiếp nhận linh kiện để lắp ráp 105 chiếc Su-27SK còn lại trong hợp đồng mua giấy phép sản xuất 200 chiếc, rồi "tự làm nhái" một số lượng lớn máy bay loại này dưới cái tên J-11.

Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố là chính mình đã yêu cầu phía Nga dừng thỏa thuận vì các tiêm kích Su-27SK không còn đáp ứng tiêu chuẩn của nước này, trong khi liên tiếp xuất xưởng nhiều máy bay có hình dạng giống hệt của Nga.

Ông Anatoly Isaikin - Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã phát biểu với báo giới tại triển lãm MAKS 2009 rằng Nga đang tiến hành điều tra việc "sao chép" máy bay Su-27 của Trung Quốc:

“Trung Quốc sao chép hình dáng bên ngoài của Su-27 - Nga đã nói về điều này. Có thể, đó là sự thật… Nhưng đặc điểm của trang thiết bị kỹ thuật phức tạp nhìn “bề ngoài” có thể giống nhau còn “nhân bên trong” thì lại khác nhau.

Chúng ta sẽ phải bỏ nhiều tháng, thậm chí cả năm để điều tra liệu có phải Trung Quốc sao chép chính xác Su-27 của Nga hay không vì đặc điểm bên trong của máy bay có thể khác”.

Chưa hết, gần đây Trung Quốc còn liên tiếp "trình làng" nhiều mẫu máy bay mới như J-11B/BS/BH/D, J-15, J-16... mà nước này "sao chép" từ các dòng máy bay Su-27/30/33 của Nga.

 
Tiêm kích hạm J-15 do Trung Quốc phát triển dựa trên mẫu thử nghiệm T-10K-3 (Su-33) mua lại từ Ukraine

Liệu máy bay "sao chép" có "chất"?

Quả thật đây là câu hỏi "nhạy cảm", rất khó trả lời bởi thông tin chi tiết hầu như không được phía Trung Quốc công bố. Tuy nhiên, xét về mặt logic thì "hàng nhái" chắc chắn không thể bằng "hàng thật".

Đơn cử như Su-27SK xuất khẩu không thể bằng Su-27 hàng "nhà dùng", qua sao chép khiến cho sản phẩm J-11 của Trung Quốc lại bị "cắt giảm" tính năng thêm một lần nữa. Mẫu J-16 trên cơ sở Su-30 cũng bị các chuyên gia đánh giá là "phiên bản lỗi".

Rõ ràng, Trung Quốc chọn giải pháp "đốt cháy giai đoạn" bằng sao chép, bất chấp tính năng, tuổi thọ và độ tin cậy của những sản phẩm này thua kém nguyên mẫu rất nhiều. Chưa kể do không có công nghệ nguồn nên chúng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây tai nạn chết người.

Đã có một số phi công Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả từ việc sao chép trên, nhưng truyền thông nước này hoặc là đã được "nhắc nhở" hoặc là chủ động "lờ đi" những sự cố của cả Không quân và Không quân Hải quân.

Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, các sản phẩm sao chép có thể giúp Trung Quốc xây dựng được đội máy bay tương đối hiện đại theo hướng "nhanh, nhiều, rẻ" mà vứt qua một bên chữ "tốt". Cốt yếu là tiết kiệm được công đoạn nghiên cứu và phát triển.

Tiêm kích đa năng tầm xa J-16 do Trung Quốc phát triển dựa trên dòng Su-30MKK hai người lái

Trung Quốc đã "nhân bản" được bao nhiêu Su-27/30?

"Sự nghiệp sao chép công nghệ" các máy bay tiêm kích Nga của Trung Quốc được cho là bắt đầu từ khá lâu, đến nay số lượng xuất xưởng đã lên đến hàng trăm chiếc, giúp nước này loại bớt được khá nhiều máy bay chiến đấu thế hệ cũ.

Có nhiều nguồn thống kê khác nhau, tuy nhiên các con số không lệch nhau nhiều, chỉ mang tính ước chừng (số liệu mang tính tham khảo):

Không quân Trung Quốc đã tiếp nhận

- Khoảng 205 chiếc J-11 (các phiên bản), sao chép trên cơ sở máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi Su-27SK và máy bay huấn luyện Su-27UBK, sử dụng động cơ và thiết bị điện tử hàng không do Trung Quốc tự chế tạo (Theo The Military Balance 2014).

- Khoảng 24 chiếc J-16, phát triển và nâng cấp từ dòng máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi J-11BS (Su-27UBK). Đây là dòng máy bay chiến đấu đa năng tầm xa, thiên về cường kích ném bom giống như mẫu F-15E của Mỹ (Theo www.militaryfactory.com).

Không quân Hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận

- Khoảng 16 chiếc tiêm kích hạm J-15, phát triển trên cơ sở mẫu thử nghiệm T-10K-3 (Su-33) mua chui từ Ukraine để trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh. Có một số máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi J-15S cũng đã được bàn giao.

J-15 được cho là đã hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Linh vào tháng 11/2012. Theo trang mạng chinadailymail.com, đầu năm 2015, Trung Quốc đào tạo thành công thêm loạt thứ 2 gồm 8 phi công tiêm kích hạm, nâng tổng số lên 13 người.

- Ít nhất 24 chiếc tiêm kích đa năng chuyên hoạt động trên biển J-11BH, được phát triển dựa trên mẫu máy bay chiến đấu đa năng 2 người lái Su-30MKK (Theo The Military Balance 2014).

Mặc dù giới truyền thông Trung Quốc ra sức "lên gân" rằng các máy bay do họ sản xuất mà thực chất là "sao chép" công nghệ, luôn có chất lượng tuyệt hảo, nhưng xem ra càng "đi tắt, đón đầu' như vậy thì nước này còn tiếp tục tụt hậu xa so với trình độ thế giới.

Chẳng thế mà dù biết thừa sẽ bị Trung Quốc "làm nhái" nhưng Nga vẫn bán cho họ các vũ khí tối tân, kể cả máy bay Su-35. Phải chăng đây là "độc chiêu" khiến Trung Quốc "loay hoay" dồn toàn lực vào nghiên cứu những thứ không còn quá giá trị nữa?

Qua đó, Nga tiếp tục có những bước tiến dài, vừa bỏ lại Trung Quốc sau lưng vừa buộc nước này phải tiếp tục bám vào công nghệ Nga trong tương lai?
 
Theo Bình Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)