Thế giới

Trung Quốc có thể bắt chước mô hình lính đánh thuê Mỹ

Trung Quốc đang lên kế hoạch nghiên cứu các công ty quân sự tư nhân Mỹ để bảo đảm an ninh cho sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trung Quốc có thể bắt chước mô hình lính đánh thuê Mỹ
Lính đánh thuê Mỹ tại Iraq năm 2016. Ảnh: Twitter.

Tian Buchou là cựu lính đặc nhiệm Trung Quốc, có thâm niên 17 năm đảm bảo an ninh cho các công ty của nước này tại các vùng chiến sự ở Trung Đông và châu Phi. Dù có nhiều kinh nghiệm đối phó nạn cướp bóc và khủng bố, nhân viên an ninh 39 tuổi này nhận ra rằng đội ngũ của ông còn phải học hỏi nhiều khi hợp tác cùng lực lượng lính đánh thuê của công ty an ninh tư nhân Mỹ Blackwater, theo SCMP.

Blackwater được cựu đặc nhiệm SEAL Mỹ Erik Prince thành lập năm 1997 và được chính phủ Mỹ thuê thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhiều quan chức, cơ sở của nước này ở nhiều quốc gia, trong đó có Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, sau khi thành viên Blackwater bị tố cáo tàn sát dân thường ở Baghdad năm 2007, công ty này đã bị giải tán.

"Trong khi các nhân viên an ninh tư nhân Trung Quốc đóng vai trò không khác gì người gác cổng, đội lính đánh thuê đa quốc gia của Blackwater lại được huấn luyện kỹ càng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hàng hóa, con người. Công ty này có mạng lưới tác chiến toàn diện với khả năng hỗ trợ hậu cần, vũ khí, công nghệ cao và y tế", Tian đánh giá.

"Hơn 80% nhân viên an ninh tư nhân Trung Quốc chỉ được huấn luyện cơ bản, được điều hành bởi những người mới chỉ đánh trận trên trò chơi điện tử", ông nói.

Hầu hết nhân viên an ninh tư nhân Trung Quốc là cựu binh giống lính đánh thuê Blackwater. Tuy nhiên, họ không được huấn luyện chiến đấu thực tế, thiếu kinh nghiệm tác chiến so với các đồng nghiệp quốc tế. Nhân viên Blackwater cũng dễ dàng sở hữu vũ khí và được hoạt động tự do hơn các đồng nghiệp Trung Quốc.

"Họ có nhiều đối tác ở châu Âu, cũng như có các chuyên gia rất giỏi trong việc tuyển mộ nhân lực sở tại", Tian nói.

Nhu cầu thu hẹp khoảng cách chuyên môn với nước ngoài càng trở nên cấp thiết khi các công ty Trung Quốc trở thành mắt xích quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng quy mô lớn, kết nối các nền kinh tế vào mạng lưới thương mại mà Bắc Kinh là trung tâm.

Trung Quốc có thể bắt chước mô hình lính đánh thuê Mỹ - 1
Một binh sĩ Pakistan bảo vệ tàu hàng Trung Quốc tại cảng Gwadar năm 2017.

Do đó, khả năng thiết lập một cơ quan điều phối an ninh cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài trở thành yêu cầu rất quan trọng với BRI.

Nếu kế hoạch này được triển khai, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm thu thập tin tức tình báo và hỗ trợ an ninh phi truyền thống cho cơ quan mới. Quan chức từ Bộ Công an, An ninh Quốc gia, Ngoại giao và Thương mại đang hợp tác phác thảo kế hoạch chi tiết về việc điều hành đơn vị này, nhằm kiểm soát hoạt động của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc ở nước ngoài.

Các dịch vụ đảm bảo an ninh ở nước ngoài vẫn đang trong giai đoạn phát triển ở Trung Quốc. Chuyên gia từ Đại học An ninh Nhân dân và Đại học Khoa học Chính Trị và Luật pháp Trung Quốc đang nghiên cứu chính sách hiện nay, do mô hình hoạt động sẵn có không tạo ra sự khác biệt lớn ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

BRI kết nối hơn 65 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, trong đó nhiều dự án được triển khai ở khu vực tranh chấp và các quốc gia có độ rủi ro cao như Pakistan, Afghanistan, Nam Sudan và Yemen. Hiện có hơn 30.000 công ty Trung Quốc đang đầu tư ở nước ngoài với gần một triệu nhân công, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.

Trung Quốc có thể bắt chước mô hình lính đánh thuê Mỹ - 2
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Bấm vào hình để xem đầy đủ.

Rủi ro khi làm việc ở nước ngoài cũng gia tăng, nhất là khi các công ty Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các khu vực bất ổn. Từ năm 2014, ít nhất 44 công dân Trung Quốc đã thiệt mạng ở Pakistan, dù nước này triển khai hàng nghìn nhân viên quân sự để bảo vệ công nhân. Hơn 60% số người thiệt mạng là giáo viên dạy tiếng Trung, bị phiến quân sát hại ở thành phố Quetta, trung tâm của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan có trị giá 50 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Trung Quốc trước đây từng phải thuê người địa phương và nhân viên quốc tế để tăng cường an ninh ở nước ngoài, vì các công ty an ninh nội địa không thể đáp ứng nhu cầu.

Huang Rihan, giám đốc điều hành Viện Vành đai và Con đường tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết chỉ 6 trong hơn 5.000 công ty an ninh tư nhân nước này đủ tiêu chuẩn hoạt động ở nước ngoài, hầu hết là hộ tống tàu hàng trên biển.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming đánh giá nhiều công ty Trung Quốc từng dựa vào quân đội nước sở tại để đảm bảo an ninh, nhưng đang phải xem xét lại chính sách này, đặc biệt là ở những quốc gia có thể xảy ra đảo chính, thay đổi chế độ. "Chính sách này không còn hiệu quả sau khi phong trào mùa xuân Arab ở Trung Đông bùng phát, gây bất ổn xã hội và chính trị ở các nước dọc BRI", Zhou nhận định.

Theo Zhou, các công ty Trung Quốc cần nhiều sự bảo vệ hơn, nhưng đến nay không một đơn vị an ninh trong nước nào có thể đáp ứng nhu cầu của họ do rào cản ngôn ngữ và thiếu kinh nghiệm hoạt động.

Một đơn vị đang tìm cách xóa bỏ các rào cản này là Tập đoàn Dịch vụ Tiền tuyến (FSG), công ty an ninh đặt trụ sở ở Hong Kong và có các văn phòng ở khắp Trung Quốc. FSG do Erik Prince, cựu chủ tịch và giám đốc điều hành Blackwater, thành lập.

FSG đang phục vụ hơn 20 khách hàng Trung Quốc ở Trung Đông và châu Phi, cũng như đã "xóa bỏ nhiều quan điểm sai lầm" về việc hoạt động ở các quốc gia có rủi ro lớn. Công ty này tiết lộ nhân viên của họ được đào tạo về ngoại ngữ và kinh nghiệm hoạt động quốc tế, trong khi việc huấn luyện truyền thống chỉ tập trung vào các kỹ năng phản ứng như võ thuật.

Một công ty tham gia sân chơi quốc tế khác là Dịch vụ An ninh DeWe do một nhóm cựu nhân viên Bộ Công an Trung Quốc thành lập. Giống FSG, doanh nghiệp này cũng mở các trường huấn luyện an ninh, đào tạo chuyên gia chống khủng bố và các lĩnh vực khác cho chính quyền địa phương.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)