Thế giới

Trực thăng Mi-171Sh - Sát thủ diệt tăng mới của Việt Nam?

Khi dòng trực thăng vũ trang Mi-24 dừng bay, Không quân Việt Nam đã mất đi lực lượng săn tăng và yểm trợ hỏa lực mạnh, tầm gần cho lục quân.

Khi dòng trực thăng vũ trang Mi-24 dừng bay, Không quân Việt Nam đã mất đi lực lượng săn tăng và yểm trợ hỏa lực mạnh, tầm gần cho lục quân.
 
Khoảng trống hỏa lực diệt tăng từ trên không
 
Đầu những năm 1980, Không quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ một số trực thăng vũ trang Mi-24 đã qua sử dụng và biên chế về Trung đoàn 916 - Đoàn không quân Ba Vì.
 
Tuy chỉ là biến thể đời đầu, nhưng các máy bay Mi-24A/B đã chứng tỏ hiệu quả khi liên tiếp xuất kích tiêu diệt nhiều căn cứ, vũ khí, phương tiện cũng như binh lực của bè lũ Khơ me Đỏ trên chiến trường Campuchia.
 
Rất tiếc, Mi-24 khi về đến Việt Nam cũng đã gần hết niên hạn, lại phải hoạt động với cường độ lớn, phụ tùng khan hiếm (nhất là sau khi Liên Xô tan rã) nên đã bị loại biên.
 
Như vậy, khoảng trống về hỏa lực diệt tăng và yểm trợ gần cho lục quân bấy lâu dồn lên vai dòng trực thăng Mi-8/17, vốn là máy bay vận tải đơn thuần chỉ có thêm khả năng mang rocket không điều khiển.
 

Trực thăng Mi-24A hết hạn sử dụng của Việt Nam

 
Từ bài toán tăng hạn…
 
Trong giai đoạn 1970 - 1980, Không quân Việt nam tiếp nhận lượng lớn trực thăng Mi-8T/P/8KP. Đến giữa thập niên 1990, chúng ta được bổ sung thêm Mi-17 và Mi-171V.
 
Một số nhỏ máy bay Mi-171 SAR, Mi-172 đã đưa vào trang bị từ giữa những năm 2000. Phiên bản hiện đại nhất có mặt trong Không quân Việt Nam là Mi-171E mới tiếp nhận gần đây.
 
Hiện nay, các kỹ sư hàng không Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ sửa chữa lớn, đại tu dòng trực thăng Mi và thậm chí rất thành công khi cung cấp dịch vụ cho nhiều quốc gia.
 
Tuy nhiên, đa phần Mi-8 đều đã qua sử dụng nhiều năm, sau một số lần đại tu, sửa chữa lớn, nay gặp rất nhiều khó khăn về đảm bảo hệ số kỹ thuật, việc tiếp tục tăng hạn là không khả thi.
 
Chưa kể, việc bàn giao Lữ đoàn trực thăng 954 về Quân chủng Hải quân cũng làm thiếu hụt số lượng lớn máy bay trực thăng ở Trung đoàn 930 (mới tái lập) thuộc Sư đoàn Không quân 370.
 
Rõ ràng, nhu cầu thay thế, bổ sung các trực thăng vận tải cũ bằng máy bay thế hệ mới là rất cấp bách.
 

Phiên bản trực thăng Mi-171Sh của Cộng Hòa Séc

 
… đến ứng viên 2 trong 1
 
Khi điều kiện kinh tế chưa cho phép Việt Nam sắm riêng một loại trực thăng vũ trang thế hệ mới đúng nghĩa thì dòng trực thăng “2 trong 1” Mi-171Sh nổi nên như một ứng viên hoàn hảo vì những lý do sau:
 
Thứ nhất, nó kế thừa toàn bộ những ưu điểm vốn có của dòng trực thăng Mi-8/17 như sức tải lớn, hoạt động tin cậy và bền bỉ nhưng cũng dễ dàng, bảo dưỡng sửa chữa, kể cả trong điều kiện dã chiến.
 
Thứ hai, khả năng sống sót cao. Với buồng lái được bọc giáp, Mi-171Sh chịu được đạn súng máy tới 12,7 mm. Khi 1 động cơ trúng đạn, nó vẫn đủ sức về căn cứ hoặc tìm nơi đáp khẩn cấp đủ xa mọi loại hỏa lực của đối phương.
 
Ngoài ra, máy bay còn được trang bị hệ thống mỗi bẫy nhằm vô hiệu hóa tên lửa không đối không tầm nhiệt hoặc đất đối không. Thùng nhiên liệu có khả năng tự vá khi bị trúng đạn, hạn chế cháy nổ.
 
Thứ ba, tiệm cận trực thăng vũ trang chuyên nhiệm. Với 2 cánh phụ gắn 6 giá treo, Mi-171Sh có thể mang nhiều loại vũ khí như pháo 23 mm, cơ số 500 viên và rocket S-8, cơ số 80 quả…
 
Đáng chú ý, Mi-171Sh có tổ hợp ngắm bắn Shturm-V để dẫn tên lửa chống tăng siêu thanh Akata-V có khả năng xuyên tới 800 - 900 mm thép sau giáp phản ứng nổ.
 
Mỗi máy bay mang được tối đa 8 đạn tên lửa để thể tiêu diệt các loại xe tăng hiện đại được trang bị giáp Chobham như M1 (Mỹ) và Challenger 2 (Anh) từ cự ly 6 - 8 km.
 
Thứ tư, mức giá hợp lý. Chỉ với khoảng 10 - 12 triệu USD là đã mua được một chiếc trực thăng “2 trong 1”, vừa tấn công vừa vận tải như Mi-171Sh, thấp hơn nhiều so với trực thăng tiến công chuyên nhiệm.
 
Cuối cùng, gần đây lực lượng đặc công đã huấn luyện “đột kích thẳng đứng”, đổ bộ bằng trực thăng, đưa Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm” lên tầm cao mới.
 
Rõ ràng, với Mi-171Sh, bộ đội đặc công cũng như lục quân sẽ được bổ sung, yểm trợ hỏa lực mạnh trong đột kích thọc sâu hoặc phòng ngự cũng như làm nhiệm vụ săn diệt xe tăng, thiết giáp đối phương.
 
Hy vọng đây là thế hệ trực thăng đa nhiệm hoàn hảo, thích hợp, sớm được Không quân Việt Nam đặt mua.
 
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)