Thế giới

Trực thăng Ka-28 Việt Nam đã có khả năng bắn tên lửa Uran-E?

Nếu được trang bị tên lửa đối hạm Uran-E, các trực thăng Ka-28 sẽ trở thành cánh tay nối dài cực kỳ lợi hại của tàu chiến Gepard 3.9.

Nếu được trang bị tên lửa đối hạm Uran-E, các trực thăng Ka-28 sẽ trở thành cánh tay nối dài cực kỳ lợi hại của tàu chiến Gepard 3.9.
Trong những trận chiến hải quân hiện đại, tác chiến không đối hạm mang lại rất nhiều lợi thế về mặt chiến thuật cũng như có thể tạo ra lợi thế về mặt chiến lược. Trong tác chiến không đối hạm, chống hạm bằng trực thăng giữ một vai trò khá quan trọng.
 
Với những lợi thế như khả năng bí mật tiếp cận đối phương, mở rộng đáng kể phạm vi tác chiến cũng như khắc phục hạn chế về tính cơ động và tầm bao phủ mục tiêu của tàu chiến, trực thăng mang tên lửa đối hạm thực sự là cánh tay nối dài của tàu mẹ.
 
Đặc biệt, khi chống lại các tàu tấn công tốc độ cao thì vai trò của trực thăng lại càng quan trọng, là sự lựa chọn tối ưu.
 

Trực thăng SH-60B Black Hawk bắn tên lửa đối hạm AGM-119 Penguin

 
Nhận thấy lợi thế của hình thức chiến thuật trên, các cường quốc quân sự đã đầu tư khá nhiều cho việc phát triển các loại vũ khí chống hạm phạm vi từ tầm gần đến tầm trung để trang bị cho trực thăng, nhằm tăng cường sức mạnh hải quân của họ.
 
Vậy Hải quân Việt Nam có thể phát triển theo hướng đi trên?
 

Trực thăng săn ngầm Ka-28 của Hải quân Việt Nam

 
Hiện tại, tàu chiến duy nhất của Hải quân Việt Nam có khả năng mang theo máy bay là Gepard 3.9, loại trực thăng nó được trang bị là Ka-28 đảm trách nhiệm vụ săn ngầm.
 
Vũ khí, khí tài của Ka-28 là sonar dạng nhúng VGS-3 cùng phao định vị thủy âm, kết hợp với ngư lôi và bom chìm để tiêu diệt tàu ngầm đối phương. Như vậy, Ka-28 nguyên bản của Việt Nam không thể mang tên lửa diệt hạm.
 
Tuy nhiên, Ka-28 hoàn toàn có thể nâng cấp theo chuẩn Ka-32A7 để có khả năng mang và dẫn bắn tên lửa Kh-35 Uran-E.
 

Trực thăng Ka-32A7 và một số loại vũ khí có thể mang theo

 
Ka-32A7 là loại trực thăng vũ trang của lực lượng biên phòng Nga, điểm đáng chú ý nhất của nó là được trang bị radar mảng pha FH-A (Kopyo-A).
 
Radar Kopyo-A, sản phẩm của Tổ hợp Fazotron-NIIP hoạt động trên băng tần X, là một phần hệ thống chỉ huy cấp chiến thuật trong các nhiệm vụ: Dò tìm tín hiệu thủy âm, sự biến thiên của từ tính trái đất (dùng cho nhiệm vụ săn ngầm) và phát hiện, chỉ thị mục tiêu.
 
Do được gắn ở phần bầu dưới bụng máy bay nên radar có thể quét 360o xung quanh trực thăng.
 
Radar Kopyo-A có khả năng phát hiện, chọn lựa bám theo các mục tiêu di động trên biển cũng như trên không, lập bản đồ số hóa mặt biển với độ phân giải cao, tự động xác định các mục tiêu nguy hiểm để đưa ra phương án cảnh báo sớm nhất.
 
Kopyo-A phát hiện được khu trục hạm/ khinh tốc đỉnh ở cự ly 250/ 130 km, phát hiện máy bay có diện tích phản xạ radar 5 m2 từ 70 km, bắt bám 10 mục tiêu cùng lúc và nhận biết các vùng thời tiết xấu, lốc và bão từ khoảng cách 200 - 260 km.
 

Radar FH-A (Kopyo-A) của trực thăng Ka-32A7

 
Sau nâng cấp Ka-28 sẽ mang được 2 tên lửa không đối hạm Kh-35, nhưng điểm đặc biệt nhất là sonar VGS-3 vẫn được giữ lại, do đó khả năng săn ngầm của nó vẫn còn nguyên.
 
Ngoài ra, các giá treo vũ khí bên hông máy bay còn lắp được bom, rocket và pod súng máy, giúp cho Ka-28 đảm nhiệm được cả chức năng dọn bãi, chi viện hỏa lực cho thủy quân lục chiến đổ bộ đánh chiếm đảo.
 
Rõ ràng với cấu hình như trên, sức mạnh của trực thăng Ka-28 đã được nâng lên một tầm cao mới, đây là phương án hiện đại hóa rất đáng để Việt Nam quan tâm và triển khai trong tương lai.
 
Theo Hải Dương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)