Thế giới

Trang bị máy bay chỉ huy cảnh báo sớm - Cuộc chạy đua nguy hiểm ở Đông Á

Với tính năng phát hiện nhanh mục tiêu bay thấp từ xa..., các máy bay này có khả năng mở rộng và nâng cao hiệu quả chỉ huy máy bay chiến thuật của KQ và HQ thực hành tác chiến.

Với tính năng phát hiện nhanh mục tiêu bay thấp từ xa..., các máy bay này có khả năng mở rộng và nâng cao hiệu quả chỉ huy máy bay chiến thuật của KQ và HQ thực hành tác chiến.

Đặc điểm nổi bật về tình hình chính trị - quân sự của các nước trong khu vực Đông Á là bất đồng về quan điểm trong giải quyết các vấn đề liên quan lãnh thổ, dẫn tới tồn tại một loạt các tranh chấp về lãnh thổ khó giải quyết.

Trong điều kiện nhất định, sự leo thang của những mâu thuẫn này có thể chứa đựng những tiềm ẩn dẫn tới xung đột vũ trang trong khu vực.

Nếu tình huống xảy ra xung đột vũ trang, các hoạt động quân sự sẽ diễn ra trong điều kiện tình huống biến đổi rất nhanh.

Do vậy việc chuyển trực tiếp các thông tin đã được xử lý về đối phương trong thời gian ngắn (gần bằng thời gian thực) đến các phương tiện mang vũ khí của không quân hoặc hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm phát huy tối đa hiệu quả các lực lượng và các loại vũ khí trong chiến đấu.

Nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề này, các quốc gia trong khu vực Đông Á đã tích cực, chủ động trang bị hệ thống chỉ huy, trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho lực lượng vũ trang của mình. Hệ thống này cho phép tìm kiếm, thu thập và xử lý chung các tin tức trinh sát từ các nguồn tin khác nhau, kịp thời chuyển các tin tức đã qua xử lý đến các đối tượng yêu cầu.

Là một thành phần cơ bản của hệ thống này, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm của không quân được các quốc gia tăng cường sử dụng.

Với tính năng ưu việt tự bảo vệ cao, phát hiện nhanh mục tiêu bay thấp với khoảng cách xa..., các máy bay này có khả năng mở rộng và nâng cao hiệu quả chỉ huy máy bay chiến thuật của không quân và hải quân thực hành tác chiến.

Trung Quốc

Trong trang bị của không quân Trung Quốc gồm có các loại máy bay chỉ huy cảnh báo sớm Y-8J, Y-8W, Y-8F, KJ-2000, KJ-200 và mới nhất hiện nay là KJ-500. Trong đó, đáng chú ý là hai loại máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm KJ-2000 và KJ-200.

Việc sử dụng các loại máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên các hướng chiến dịch cho phép không quân Trung Quốc nâng cao khả năng phát hiện và liên tục bám theo mục tiêu, cơ động chiến thuật chính xác, tập trung ưu thế hỏa lực, thực hiện nguyên tắc chiến thuật mới: "thấy trước, bắn trước".

Máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm KJ-2000 được thiết kế trên nguyên mẫu máy bay vận tải IL-76 của Nga, bán kính hoạt động tối đa 5.500 km, thời gian hoạt động trên không 9 giờ.

Trang bị máy bay chỉ huy cảnh báo sớm - Cuộc chạy đua nguy hiểm ở Đông Á - Ảnh 1.

Máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm KJ-2000.

Được trang bị hệ thống radar J-2000, đây là hệ thống rada quét mảng pha chủ động AESA; cự ly giám sát 470 km, có thể chỉ huy cảnh báo sớm cho 60 đến 100 máy bay chiến đấu.

Ưu điểm của IL-76 là kích thước lớn, thời gian hoạt động dài, nhưng phạm vi hành trình không lớn và số lượng rất ít. Hiện chỉ có khoảng 4 chiếc đang được biên chế trong Không quân PLA, với số lượng như vậy có lẽ không đảm bảo đối với nhu cầu trong thực tế chiến đấu.

Máy bay KJ-200, được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-8, bán kính hoạt động 3.400 km chủ yếu được sử dụng trong chỉ huy cảnh báo tầm thấp.

Điểm yếu của KJ-200 là trang bị radar dạng cột, bố trí trong hộp đặt dọc thân máy bay, tương tự như radar Erieye do Tập đoàn Saab của Thụy Điển chế tạo nên chỉ cho góc quét 240 độ.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-500 là loại máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm mới nhất của Trung Quốc, được thiết kế trên cơ sở máy bay vận tải Y-9 do Trung Quốc mới chế tạo. Trọng lượng cất cánh lớn nhất có thể lên đến 77 tấn, được trang bị bốn động cơ phản lực cánh quạt, tốc độ bay tuần tra khoảng 550 km/giờ, bán kính hoạt động khoảng 5.700 km.

KJ-500 được trang bị radar quét mảng pha điện tử hình đĩa Type H/LJG-346 SAPAR do Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh (NRIET) chế tạo.

Anten cho góc quét 360 độ, cự ly giám sát 470 km, có thể chỉ huy cảnh báo sớm cho khoảng 100 máy bay chiến đấu. Tương lai đây sẽ là máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm chủ lực của Trung Quốc, thay thế các loại máy bay KJ-2000.

Nhật Bản

Từ năm 1999, lực lượng Không quân phòng vệ Nhật Bản đã mua 4 máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm E-767 của Mỹ với giá gần 1,6 tỉ USD, dùng để kiểm tra không phận, phát hiện mục tiêu trên không, trong đó có các mục tiêu nhỏ, bay thấp.

Về trang bị tương tự như trên máy bay E-3B Sentry của Không quân Mỹ. Nó có khả năng phát hiện mục tiêu là các máy bay ném bom đến khoảng cách 650km, cùng một lúc bắt bám từ 3 đến 400 mục tiêu; có thể đồng thời bảo đảm dẫn đường cho 45 máy bay tiêm kích chiến đấu.

Trang bị máy bay chỉ huy cảnh báo sớm - Cuộc chạy đua nguy hiểm ở Đông Á - Ảnh 2.

Máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm E-767 của Nhật Bản.

Thời gian bay dài nhất có tiếp nhiên liệu trên không là 22 giờ. Từ năm 2005 đến 2011, đã tiến hành hiện đại hóa một loạt các hệ thống kỹ thuật của loại máy bay này. Hiện nay, trong thành phần của lực lượng Không quân phòng vệ Nhật Bản còn có 13 máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm E-2C Hawkeye 2000.

Về lực lượng máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm, Nhật Bản là một nước có thực lực, nhất là khi họ được tác chiến cùng với các lực lượng của Mỹ; là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc.

Hàn Quốc

Tháng 9/2011, không quân Hàn Quốc đã có 4 máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm B-737-7ES. Các máy bay này được sản xuất trên cơ sở máy bay Boeing 737-700 theo chương trình Peace Eye trị giá 1,6 tỉ USD. Một điều đáng chú ý là việc bố trí các thiết bị trên máy bay do tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) tiến hành.

Máy bay được trang bị radar của hãng Northrop Grumman (Mỹ), có khả năng phát hiện mục tiêu trên không và trên biển đến hơn 400km, cũng như xác định chính xác tốc độ của mục tiêu. Nhóm nhân viên trên máy bay có từ 10 đến 14 người và có đủ khả năng chỉ huy hoạt động của không quân chiến thuật.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, việc đưa 4 máy bay B-737-7ES vào trong biên chế cho phép lực lượng không quân Hàn Quốc nâng cao khả năng trinh sát, nắm chắc tình hình của quân đội Triều Tiên cả trên không, trên biển; và chỉ huy máy bay chiến thuật trong trường hợp xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Đồng thời, làm giảm phụ thuộc vào sự có mặt của nhóm máy bay E-3C, RC-135 của Không quân Mỹ đóng trên căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc và Iokota và Kadena của Nhật Bản.

Việc tự trang bị cho những máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm được sản xuất bởi các công ty của Hàn Quốc, phản ánh giới lãnh đạo nước này quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào mua trang bị kỹ thuật quân sự từ nước ngoài và bảo đảm đường lối chính trị ngoại giao độc lập hơn.

Ngư ông Mỹ đắc lợi

Những năm gần đây, việc các nước Đông Á đã tích cực trang bị cho lực lượng vũ trang các loại máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm; đây là một phần thực tế của cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực.

Giành được thị trường lớn nhất trong lĩnh vực này là các công ty quốc phòng của Mỹ, Châu Âu, Ixraen. Một số nước đã nhanh chóng thành lập cơ sở khoa học công nghiệp của mình để sản xuất các trang bị, hoặc mua công nghệ phù hợp.

Trong đó Trung Quốc đang từng bước khẳng định cường quốc quân sự bằng việc họ tự chế tạo ra các loại máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm và tăng cường hoạt động của loại máy bay này trên khu vực tranh chấp.

Đặc biệt, việc sử dụng máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm của Singapo, Hàn Quốc, Nhật Bản do Mỹ sản xuất đã đem lại cho Mỹ khả năng liên kết các tổ hợp thông tin-chỉ huy trên máy bay trong thành phần thống nhất với hệ thống trinh sát và phòng không của KQ Mỹ trong trường hợp xuất hiện xung đột vũ trang trên chiến trường châu Á-Thái Bình Dương.

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng

Theo Thời Đại