Thế giới

Trận không chiến khiến Mỹ mất tiêm kích tối tân vào tay Liên Xô năm 1951

Mỹ tìm mọi cách để thu được tiêm kích MiG-15 của Liên Xô, nhưng lại sớm để mất một chiếc F-86 tối tân vào tay đối thủ.

Mỹ tìm mọi cách để thu được tiêm kích MiG-15 của Liên Xô, nhưng lại sớm để mất một chiếc F-86 tối tân vào tay đối thủ.

tran-khong-chien-khien-my-mat-tiem-kich-toi-tan-vao-tay-lien-xo-nam-1951

Phi đội F-86 Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: National Interest.

Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cả hai phe đều triển khai những vũ khí hiện đại nhất, đồng thời tìm cách chiếm khí tài của đối phương để giành ưu thế trên chiến trường. Mỹ từng treo phần thưởng rất lớn để sở hữu tiêm kích MiG-15 Liên Xô, nhưng chính họ lại để đối phương bắt được một máy bay F-86 Sabre trong chiến đấu, theo War History.

Phía Mỹ bắt đầu biên chế mẫu F-86 Sabre cho Phi đoàn Tiêm kích số 94 thuộc Không đoàn Tiêm kích số 1 từ năm 1949. Thiết kế cánh vát và động cơ phản lực cho phép F-86 đạt tốc độ tối đa 1.100 km/h, điều bất khả thi với hầu hết máy bay cánh thẳng dùng động cơ cánh quạt thời đó.

F-86 nhanh chóng trở thành chiến đấu cơ chủ lực của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, dù nước này vẫn triển khai một số tiêm kích đời cũ như F-80 và F-84. Để đáp trả, Liên Xô đã triển khai tiêm kích MiG-15 hiện đại tới Triều Tiên từ tháng 11/1950.

Tiêm kích F-86 và MiG-15 có nhiều điểm chung trong thiết kế, thậm chí hình dáng bên ngoài của MiG-15 còn khiến nhiều phi công Mỹ tưởng đó là những chiếc F-86 đồng minh. Tuy nhiên, mỗi dòng máy bay lại có điểm mạnh yếu khác nhau.

F-86 Saber có thể đạt tốc độ trên 1.100km/h, cùng khả năng lượn và bổ nhào tốt hơn MiG-15. Chúng cũng cân bằng hơn đối phương về mặt khí động học. Máy bay Mỹ còn được trang bị radar AN/APG-30, giúp phi công lấy đường ngắm và khai hỏa 6 súng máy cỡ nòng 12,7 mm chính xác hơn.

MiG-15 có tốc độ tối đa thấp hơn, chỉ khoảng 1.070 km/h, nhưng sở hữu khả năng tăng tốc, leo cao và cơ động tốt hơn hẳn so với F-86. Vũ khí trên tiêm kích Liên Xô thua kém về độ chính xác, nhưng lại vượt trội về uy lực với hai pháo 23 mm và một pháo 37 mm.

Về cơ bản, F-86 Sabre và MiG-15 có tính năng chiến đấu ngang ngửa nhau. Hầu hết các trận không chiến giữa hai loại tiêm kích này diễn ra ở vùng tây bắc Triều Tiên, khu vực còn được gọi là "Hành lang MiG". Đó là dải đất nằm giữa Triều Tiên với Trung Quốc, dọc sông Áp Lục đổ ra biển Hoàng Hải.

tran-khong-chien-khien-my-mat-tiem-kich-toi-tan-vao-tay-lien-xo-nam-1951-1

Khu vực được mệnh danh là "Hành lang MiG". Đồ họa: Wikipedia.

Trên lý thuyết, Triều Tiên là quốc gia duy nhất sử dụng MiG-15 trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, hầu hết các nhiệm vụ đều do phi công Liên Xô thực hiện, nhiều người trong số họ là cựu binh từ Thế chiến II. Điều tương tự cũng diễn ra với phía Mỹ, các phi công Mỹ đều có kinh nghiệm từ những trận chiến với phát xít Đức và Nhật.

Khi ưu thế của những chiếc F-86 bị mất, phía Mỹ khởi động chiến dịch Moolad, với hy vọng dụ dỗ phi công Liên Xô bỏ trốn. Gián điệp Mỹ tại Liên Xô tung tin đồn rằng bất cứ phi công nào đào ngũ cùng tiêm kích MiG-15 sẽ được thưởng 100.000 USD và nhập quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, chính Liên Xô lại đánh bại Mỹ trong cuộc đua chiếm tiêm kích của đối phương.

Vào ngày 6/10/1951, đội tuần tra của trung úy Bill Garret chạm trán với tiêm kích của Sư đoàn không quân số 324 Liên Xô, một trong những đơn vị thiện chiến nhất trong Thế chiến II. Sau khi giao chiến, chiếc F-86 của Garret bị trúng đạn, phi công này nhận lệnh quay về căn cứ trong khi đồng đội tiếp tục chiến đấu. Cả Mỹ và Liên Xô đều không muốn để máy bay của mình rơi vào tay đối phương, do vậy Garret tuân lệnh quay về.

Trên đường về căn cứ, Garret chạm trán phi đội 4 chiếc MiG-15 do đại úy Konstantin Sherberstov dẫn đầu. Phi công Liên Xô cho biết chiếc Sabre của Garret lúc đó bốc khói đen ở đuôi và đang giảm dần độ cao. Sherberstov kéo chiếc MiG-15 lên độ cao 1.000 m, sau đó tiếp cận tiêm kích F-86.

Khi cách đối phương gần 300 m, phi công Liên Xô khai hỏa. Chiếc Sabre bị trúng đạn ở phần sau khoang lái, khiến động cơ bị hư hại và hỏng ghế phóng thoát hiểm.

Do không có khả năng bắn trả, Garret bắt đầu cơ động vòng tránh, nhưng dần mất độ cao khi phi công Liên Xô liên tục bám đuổi phía sau. Sherberstov biết Moscow muốn có trong tay chiếc Sabre, điều đó khiến ông phải đối mặt với lựa chọn khó khăn.

Máy bay Liên Xô không được phép bay vào không phận Hàn Quốc do Liên Hợp Quốc kiểm soát. Họ cũng không thể tấn công phi cơ đối phương ở khoảng cách gần để tránh bị nhận dạng. Liên Xô khi đó không chính thức tham chiến, buộc phi công của họ mặc đồng phục Triều Tiên khi chiến đấu. Quy tắc này được áp dụng vô cùng nghiêm ngặt để tránh gây ra cuộc chiến trực tiếp giữa Moscow và Washington.

Sherbertsov cần bắn hạ Garret trước khi tiến vào không phận đối phương, nhưng phải giảm thiểu thiệt hại gây ra cho chiếc F-86. Quá trình hạ độ cao từ từ của máy bay Mỹ đáp ứng yêu cầu này, nó có thể đâm xuống đất mà không bị hư hại quá nhiều.

Garret cố gắng bay về bờ biển Hoàng Hải, nhằm đáp xuống gần lãnh thổ đồng minh. Phi công Mỹ hiểu rằng Liên Xô muốn có trong tay chiếc F-86, vì vậy Garret cố gắng hạ cánh xuống mặt biển. Cuối cùng, chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống bờ biển Hoàng Hải. Garret được cứu ngay sau đó, trong khi chiếc Sabre bị kẹt cứng dưới một vũng bùn.

tran-khong-chien-khien-my-mat-tiem-kich-toi-tan-vao-tay-lien-xo-nam-1951-2

Chiếc F-86 trước khi được đưa về Liên Xô. Ảnh: Korean War Online.

Một trận chiến lập tức nổ ra trên bầu trời, khi những chiếc MiG-15 cố gắng chiếm ưu thế trên không để lực lượng mặt đất giành lấy tiêm kích F-86. Hàng trăm lính Trung Quốc và Triều Tiên cố gắng tháo rời chiếc Sabre trước khi thủy triều lên, bất chấp việc bị chiến đấu cơ và tàu chiến Mỹ tấn công liên tục.

Dù mất 7 chiếc MiG-15, phía Liên Xô vẫn thu được chiếc F-86 nguyên vẹn, trước khi mang chúng về nước trên một đoàn xe tải. Đoàn xe phải di chuyển ban đêm bởi không quân Mỹ liên tục bám đuổi họ cho tới biên giới Trung Quốc. Tới ngày 24/10, Liên Xô lại thu được thêm một chiếc F-86.

Để đáp trả, chính phủ Mỹ phải mở rộng chiến dịch Moolad tới cả Trung Quốc và Triều Tiên, thông qua các bản tin trên đài và thả tờ rơi bằng máy bay. Vào ngày 21/9/1952, thượng uý No Kum-sok đã đào tẩu khỏi Triều Tiên, sau đó bay tới căn cứ không quân Kimpo gần thủ đô Seoul trên một chiếc MiG-15 nguyên vẹn.

Theo Trọng Nghĩa (VnExpress.net)