Thế giới

Trạm theo dõi vũ trụ châu Mỹ của Trung Quốc bị nghi phục vụ quân sự

Trạm theo dõi vũ trụ mà Trung Quốc xây dựng ở Argentina bị nghi là phục vụ mưu đồ quân sự. Trạm thuộc toàn quyền kiểm soát của Bắc Kinh và cấm cả quan chức Argentina đi vào.

Trạm theo dõi vũ trụ mà Trung Quốc xây dựng ở Argentina bị nghi là phục vụ mưu đồ quân sự. Trạm thuộc toàn quyền kiểm soát của Bắc Kinh và cấm cả quan chức Argentina đi vào.

Có thể phục vụ mục đích quân sự?

Theo the Diplomat, ngay từ khi bắt đầu, dự án Trung Quốc xây trạm ở khu vực xa xôi Patagonia đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số nhà lập pháp công khai phản đối Argentina cấp giấy ủy quyền một phần lãnh thổ cho Trung Quốc. Hơn nữa, trạm này thuộc toàn quyền kiểm soát, điều hành của đơn vị quân đội Bắc Kinh nên có thể được sử dụng vào mục đích quân sự thay vì mục đích dân sự như tuyên bố ban đầu.

Chính quyền Trung Quốc thì nói trạm được sử dụng để hỗ trợ thăm dò không gian sâu và chương trình nghiên cứu Mặt Trăng được tiến hành đầu năm 2017.Đường thẳng nối trạm này với thủ đô Washington, D.C. gần giống như một kinh tuyến chạy dọc Bờ  Đông nước Mỹ. Nếu quan sát từ các vệ tinh địa tĩnh ở xích đạo, trạm nằm đối xứng với thủ đô của Mỹ. Vị trí của trạm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự.

Khi được hỏi liệu trạm có thể phục vụ đồng thời cho cả hai mục đích là dân sự và quân sự hay không, Yu Xueming, quản lý dự án, thuộc cơ quan Tổng kiểm soát theo dõi và phóng vệ tinh Trung Quốc (CLTC), nói các ăng ten không thể xoay một cách linh hoạt. Yếu tố này khiến trạm không thể phục vụ cho mục đích quân sự.

Tuy nhiên, hiện nhiều lực lượng quân đội và tình báo tín hiệu sử dụng các ăng ten vận động chậm. Ngoài ra, hai ăng ten của trạm ở Patagonia có thể bao quát phạm vi rộng. Một biểu đồ trước đó đăng trên trang web của dự án cho thấy, ăng ten đường kính 35 m có hướng quan sát hoàn toàn theo chiều ngang, chứ không phải theo chiều dọc như trong các hình ảnh vệ tinh mới nhất - vị trí thích hợp nhất cho mục đích thăm dò "không gian sâu".

Sau khi xem xét các hình ảnh, một chuyên gia về truyền thông vũ trụ nhận định, hai ăng ten ở Patagonia có thể được sử dụng để giám sát các vệ tinh địa tĩnh, đồng thời cảm biến không gian sâu và xa. Ông cũng chỉ ra rằng, hai ăng ten parabol có thể hoạt động song song thông qua kỹ thuật giao thoa để khóa các vệ tinh và bắt tín hiệu của chúng chính xác hơn.

Tram theo doi vu tru chau My cua TQ bi nghi phuc vu quan su hinh anh 2

Vị trí trạm của Trung Quốc ở Argentina so với thủ đô Washington, D.C. của Mỹ. Ảnh: Victor Robert Lee & Google Earth 

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Đại sứ Roberto García Moritán, từng là đại diện cho Argentina tại Hiệp ước Buôn bán Vũ khí, cho rằng trạm mặt đất ở Neuquén, Patagonia, không chỉ hữu ích cho các dự án nghiên cứu Mặt Trăng mà còn là nơi thu thập và truyền tín hiệu từ xa với mục đích kép. Ăng ten này có khả năng can thiệp vào hệ thống thông tin liên lạc, mạng điện tử, hệ thống điện. Nó có khả năng tiếp nhận thông tin về việc phóng tên lửa và các hoạt động không gian khác, bao gồm máy bay không người lái và vận hành các vũ khí chiến lược. Nó có khả năng thu thập thông tin nhạy cảm nếu xảy ra cạnh tranh quân sự.

"Đất Trung Quốc trên lãnh thổ chủ quyền của Argentina"

Hình ảnh cho thấy tốc độ xây dựng diễn ra nhanh chóng tại khu vực Quintuco, tỉnh Neuquén, gần thị trấn Bajada del Agrio ở Patagonia, Argentina, dù đây là vực xa xôi, hẻo lánh. Dự án này do Công ty Cơ khí Harbour, một nhánh của công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc, phụ trách. Đây cũng là công ty tham gia cải tạo các rạn san hô với tốc độ điên cuồng và chưa từng có ở Biển Đông.

CLTC, nhà điều hành dự án xây trạm mặt đất, là một đơn vị thuộc Tổng cục Vũ khí Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Một nhà tài trợ có liên quan khác là Trung tâm điều khiển vệ tinh Tây An. Một số nhà phân tích an ninh cho biết, đây là cơ quan đầu não của các hoạt động theo dõi vệ tinh, truyền tín hiệu từ xa và kiểm soát hoạt động của PLA trên toàn thế giới.

Tram theo doi vu tru chau My cua TQ bi nghi phuc vu quan su hinh anh 3
Cận cảnh hai vệ tinh tại trạm của Trung Quốc. Ảnh: Télam

Hợp đồng dự án trạm mặt đất giữa Trung Quốc và Argentina kéo dài 50 năm (miễn thuế và thông báo trước 5 năm nếu chấm dứt hợp đồng) đã được ký kết dưới sự chủ trì của cựu Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner và ngay lập tức làm dấy lên những cáo buộc về các điều khoản bí mật được lén thêm vào thỏa thuận. 

Mặc dù hợp đồng được ký kết vào tháng 4/2014, các bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy việc xây dựng cơ sở này được triển khai từ tháng 12/2013. Quốc hội Argentina chỉ mới thông qua thỏa thuận vào tháng 2/2015 với 133 phiếu thuận và 107 phiếu chống.

Sau khi tổng thống mới của Argentina, Mauricio Macri, nhậm chức vào tháng 12/2015, các nguồn tin nói ông đề nghị chính quyền công bố các điều khoản bí mật. Tuy nhiên, những người đề xướng dự án xây trạm phủ nhận không có bất kỳ thỏa thuận bí mật bên lề nào.

Hình ảnh vệ tinh về khu vực xây trạm cho thấy rào chắn vây quanh diện tích là 210 ha chứ không phải 200 ha như thông báo của giới chức Argentina. Lối vào phải đi qua một trạm kiểm soát an ninh. Trong một báo cáo năm 2015 của nhà báo Jorge Lanata của Kênh 13, một nhóm làm truyền hình muốn vào khu vực. Tuy nhiên, nhân viên an ninh Argentina tại đây cho biết, chỉ những người Trung Quốc và người của CLTC ở Las Lajas (một thị trấn cách đó 40 km) mới được phép vào trong. 

Ngay sau đó, một phóng viên trong đoàn gọi điện cho đại sứ quán Trung Quốc và xin phép vào khu vực xây trạm nhưng bị từ chối với lý do "không thuận tiện". Trong chương trình của Kênh 13, thị trưởng thành phố Neuquén, ông Horacio Quiroga, cho biết, ngay cả một số quan chức của tỉnh cũng bị từ chối cho vào. "Đây là đất của Trung Quốc trên lãnh thổ của Argentina", ông than thở.

Biện minh của Trung Quốc

Một số quan chức Argentina và Trung Quốc đã bác bỏ những lo ngại về trạm mặt đất ở Patagonia  khi dẫn chứng rằng Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng thuê đất để xây một trạm theo dõi tương tự ở Malargue, tỉnh Mendoza của Argentina và bắt đầu hoạt động năm 2013, cách trạm mới của Trung Quốc 275 km về phía bắc. Tuy nhiên, ESA là cơ quan dân sự. Trạm ở Malargue có phần lớn nhân viên là người Argentina và cũng do người dân nước sở tại quản lý.

Trạm của ESA được biết đến với vai trò chỉ đường cho tàu vũ trụ Rosetta hạ cánh lên sao chổi trong một cuộc thăm dò. Theo ảnh vệ tinh, trạm của ESA có quy mô nhỏ và trang bị ít hiện đại hơn trạm của Trung Quốc.

Tram theo doi vu tru chau My cua TQ bi nghi phuc vu quan su hinh anh 4

Khung đỏ là diện tích đất 210 ha ở Patagonia do chính phủ Argentina ủy quyền cho quân đội Trung Quốc kiểm soát, sử dụng cho việc xây trạm mặt đất. Ảnh:Victor Robert Lee & DigitalGloble

Chính phủ Trung Quốc còn sở hữu nhiều trạm quốc tế khác ở Namibia, Pakistan và Kenya. Các trạm mặt đất giúp hỗ trợ chương trình không gian có người lái. Ngoài ra, nước này cũng triển khai ít nhất 5 tàu theo dõi không gian lớp Yuanwang. Trạm mặt đất ở Argentina như một phần minh chứng cho sự phát triển của một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và có tham vọng hòa bình về khám phá vũ trụ mà các quốc gia khác phải mất nhiều năm nữa mới có thể đạt được.

Sự nghi ngờ của Mỹ về trạm mặt đất mới của Trung Quốc được xây dựng ở Châu Mỹ sau khi phát hiện Bắc Kinh lập nhiều cơ quan tình báo ở nước ngoài. Thậm chí có cơ quan nằm ở Cuba, gần Mỹ, chỉ cách thành phố Miami, bang Florida, 300 km về phía nam và hơn 500 km từ trụ ở chính của Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ ở Tampa.
 

Theo T.Hoa (Zing.vn)