Thế giới

Top 5 công nghệ quân sự Trung Quốc đánh cắp của Nga

Về mặt lịch sử, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tập trung vào việc "sao chép" những thành tựu của các nhà chế tạo vũ khí Liên Xô.

 

Hiện nay PLA ngày càng sở hữu nhiều thiết bị kỹ thuật quân sự giống với sản phẩm phương Tây, tuy nhiên vũ khí Nga vẫn được quốc gia này ưa chuộng nhất.

Su-27 và J-11 

Top 5 công nghệ quân sự Trung Quốc đánh cắp của Nga - Ảnh 1.
Tiêm kích Su-27SM của Nga (trái) và J-11B của Trung Quốc (phải)

Ví dụ rõ nét và mỉa mai nhất của việc đánh cắp công nghệ quân sự Nga là chiếc tiêm kích J-11 - bản sao chép Su-27SK của Nga.

Năm 1992, Nga cung cấp cho Trung Quốc 76 chiếc Su-27SK, đến năm 1995 thì chuyển giao giấy phép sản xuất thêm 200 máy bay loại này. Tới năm 1996, Trung Quốc đã lắp ráp J-11 tại Thẩm Dương bằng các linh kiện của Nga.

Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc hủy hợp đồng và bắt đầu chế tạo J-11 bằng những linh kiện sản xuất trong nước. Moscow gọi việc "thay thế nhập khẩu" trên là "sự ăn vụng không biết chùi mép". Đáp lại, Trung Quốc cho xuất xưởng thêm 3 phiên bản J-11.

Biến thể mới nhất trong số đó là chiếc tiêm kích hạm J-15, mà theo đánh giá của các chuyên gia Phương Tây, còn vượt trội so với nguyên mẫu của Nga. Điểm yếu của bản sao chép này vẫn là động cơ có lực đẩy yếu hơn so với nguyên bản.

Tor-M1 và HQ-17

Top 5 công nghệ quân sự Trung Quốc đánh cắp của Nga - Ảnh 2.
Tổ hợp phòng không Tor-M1 của Nga (trái) và HQ-17 của Trung Quốc (phải)

Ngắm ngoại hình của tổ hợp tên lửa phòng không Trung Quốc HQ-17 thì thậm chí một chuyên gia bàn giấy hạng thường cũng thấy ngạc nhiên bởi sự tương đồng với Tor-M1 của Nga.

Từ năm 1997 đến hết năm 2001, đã có 35 hệ thống được bàn giao cho Trung Quốc. Như đã thấy, các cỗ máy này được tháo ra và lắp lại, nhưng dưới thương hiệu Trung Quốc.

Hình ảnh đầu tiên của HQ-17 được Trung Quốc công bố vào năm 2014. Đại diện của Tập Almaz-Antey (đơn vị sản xuất Tor-M1) khi đó đã tuyên bố rằng tính năng của HQ-17 thua xa bản gốc.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia phương Tây lại cho rằng, bản sao chép của Trung Quốc có những tính năng chiến đấu ưu việt hơn nhờ trạm radar và hợp phần cơ sở được cải tiến. Không có gì ngạc nhiên về nhận định này khi HQ-17 ra đời sau bản gốc tới 20 năm.

S-300 và HQ-9

Top 5 công nghệ quân sự Trung Quốc đánh cắp của Nga - Ảnh 3.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga (trái) và HQ-9 của Trung Quốc (phải)

Phiên bản copy tổ hợp tên lửa phòng không Nga nhưng "hầm hố" hơn do Trung Quốc thực hiện chính là HQ-9 (Hồng Kỳ-9), với ngoại hình giống tới mức "điếng người" hệ thống S-300PMU-1.

Nhiều chuyên gia gọi nó là bản sao chép "Ba trăm" (các tổ hợp này Nga bán cho Trung Quốc từ năm 1996). Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận những lời buộc tội và khẳng định rằng có sự khác nhau giữa hai hệ thống trên.

Cụ thể, tên lửa HQ-9 ngắn hơn gần 1 mét so với S-300, tầm bắn gần hơn - 125 km so với 200 km của S-300.

Đau đớn hơn, HQ-9 đã trở thành đối thủ cạnh tranh với S-300 trên thị trường vũ khí thế giới. Vào đầu năm 2015, có thông tin cho biết Trung Quốc đã bán một vài tổ hợp HQ-9 cho Turkmenistan và Uzbekistan.

Trước đó, HQ-9 từng giành thắng lợi trước S-300 trong gói thầu T-Loramids trị giá 4 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cuối cùng nước này đã từ chối mua HQ-9 và quyết định sử dụng sản phẩm nội địa.

9K58 Smerch và PHL-03 

Top 5 công nghệ quân sự Trung Quốc đánh cắp của Nga - Ảnh 4.
 Pháo phản lực bắn loạt 9K58 Smerch của Nga (trái) và PHL-03 của Trung Quốc (phải)

Các nhà chế tạo vũ khí Trung Quốc đã không bỏ qua "con át chủ bài" khác của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đó là pháo phản lực bắn loạt (MLRS). 

Hệ thống A-100 của Trung Quốc và phiên bản nâng cấp PHL-03 là những hậu duệ trực tiếp của 9K58 Smerch. Điều thú vị ở đây chính là Nga chưa hề bán Smerch cho Trung Quốc. 

Tuy nhiên các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, vào đầu những năm 2000, 3 hệ thống này đã được mua từ "nước thứ ba", có thể là Ukraine. 

Bên cạnh đó, các hệ thống MLRS Trung Quốc với nguồn gốc Nga đã đạt được sự thừa nhận không chỉ trong nước mà cả trên thị trường vũ khí quốc tế. Giai đoạn 2013 - 2014, đã có vài chục tổ hợp AR-2 (bản xuất khẩu của PHL-03) được bán cho Sudan và Marocco.

Paltus và Type 41

Top 5 công nghệ quân sự Trung Quốc đánh cắp của Nga - Ảnh 5.
Tàu ngầm điện-diesel lớp 877 Paltus của Nga (trái) và Type 041 của Trung Quốc (phải)

Vào năm 2014, vệ tinh quân sự Mỹ đã chụp ảnh một chiếc tàu ngầm lạ của Trung Quốc mà sau đó được xác định là lớp 877 Paltus của Nga được nước này thiết kế lại. 

Nga đã bán một vài chiếc tàu ngầm điện-diesel Paltus cho Trung Quốc từ giữa thập niên 1990. Các chuyên gia để ý tới việc lớp tàu ngầm mới với số hiệu Type 041 có những tính năng giống với sản phẩm Nga. 

Tổng cộng, Trung Quốc đã chế tạo gần 10 chiếc tàu ngầm loại này. Vào năm 2013, họ giới thiệu phiên bản thu nhỏ với tên gọi S-20 và đã thu hút sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng.

Kết luận

Nga không phải quốc gia duy nhất chịu thua thiệt vì "hàng quân sự nhái nhãn mác" của Trung Quốc. Năm 2012, Quân đội Trung Quốc đã tiếp nhận xe quân sự Dongfeng-EQ2050 mà được coi là bản sao chép từ chiếc Hummer (Mỹ) huyền thoại.

Cách đây không lâu, trên mạng xuất hiện những hình ảnh của chiếc trực thăng chiến đấu Z-20 - bản sao chép rõ nét dựa trên UH-60 Black Hawk do Mỹ sản xuất. 

Những gì liên quan tới các hệ thống vũ khí đơn giản hơn như súng, tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng có điều khiển... thì các chuyên gia sẽ phải bở hơi tai để liệt kê danh sách sao chép. 

Tuy rằng "chơi xấu", nhưng cũng không thể không thán phục năng lực "thiết kế ngược" của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Theo Quang Huy (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)