Thế giới

Tiêm kích Su-35 khiến phương Tây "nghiêng mình"

Dù chỉ là tiêm kích thế hệ 4++, nhưng việc phương Tây xếp Su-35 vào danh sách vũ khí đáng sợ nhất của Nga cho thấy sức mạnh của tiêm kích này.

Dù chỉ là tiêm kích thế hệ 4++, nhưng việc phương Tây xếp Su-35 vào danh sách vũ khí đáng sợ nhất của Nga cho thấy sức mạnh của tiêm kích này.
Chiến đấu cơ Su-35 là một trong những mẫu tiêm kích thế hệ thứ 4 hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, do hãng Sukhoi phát triển. Nó được cho là tích hợp nhiều công nghệ chỉ có trên máy bay thế hệ 5 khiến Su-35 trở thành chiến đấu cơ đáng sợ nhất của nước Nga hiện nay, trước khi Su T-50 có thể phục vụ.
 
Nguyên mẫu ban đầu của Su-35 được định danh là Su-27M ra đời từ cuối những năm 1980 trên cơ sở cải tiến Su-27 huyền thoại. Phiên bản chính thức được chấp nhận sản xuất loạt Su-35S xuất hiện lần đầu tại triển lãm hàng không MAKS 2007. Su-35S đang được sản xuất theo các đơn hàng dồn dập từ Không quân Nga. Và tương lai có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
 

Tiêm kích Su-35.

 
Một trong những thế mạnh lớn nhất trên chiến đấu cơ SU-35 khiến các chuyên gia phương Tây phải gọi nó bằng từ UFO (vật thể bay không xác định hay là từ chuyên dùng để chỉ phi thuyền người ngoài hành tinh) chính là cặp động cơ 117S hay có cái tên khác AL-41F1S.
 
Động cơ đẩy véc tơ 2D 117S trên Su-35 sử dụng công nghệ tua bin áp suất thấp và tua bin cao áp tiên tiến, đồng thời đã sử dụng hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D. Những công nghệ mới này làm cho lực đẩy tổng thể của động cơ này tăng vọt 16%. Tuổi thọ sử dụng động cơ 117S là 4.000 giờ, hơn gấp đôi động cơ cùng loại. Thời gian cách nhau giữa hai lần đại tu là 1.000 giờ, cũng gấp đôi sản phẩm cùng loại, điều này đã đóng góp to lớn cho năng lực điều động và thời gian tác chiến của Su-35.
 
Động cơ 117S được thiết kế với vòi phun có thể đồi hướng đem lại khả năng cơ động rất cao, thao diễn tuyệt vời trên bầu trời cho Su-35. Cặp động cơ này cho máy bay đạt tốc độ tối đa tới 2.500km/h, tầm bay 3.600km, trần bay 18.000m, vận tốc leo cao 280m/s.
 
Thế mạnh thứ hai trên chiến đấu cơ Su-35 là sử dụng hệ thống radar trinh sát/điều khiển hỏa lực mạnh khủng khiếp Irbis-E có thể phát hiện máy bay thông thường ở cự ly lên tới 350 km, tàu chiến cỡ lớn ở cự ly 400 km. Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình (có bề mặt tán xạ radar cỡ 0,01m2) ở khoảng cách xa 120 km.
 
Radar có thể khóa đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung với đầu dò chủ động. Có thể bắn hai mục tiêu đồng thời bằng các tên lửa với đầu dò bán chủ động, nhưng nó đòi hỏi radar phải chỉ điểm mục tiêu trong một thời gian.
 
Ngoài ra trên Su-35 còn được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35 có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90 km (phần đuôi mục tiêu) và 50 km (phía trước mục tiêu). Đây cũng là một trong các thiết bị trinh sát có thể phát hiện được máy bay tàng hình.
 
Hệ thống điều khiển trong buồng lái của Su-35 đơn giản hóa nhưng tiên tiến hơn với màn hình hiển thị thông số kĩ thuật bay, màn hình HUD. Khả năng mang vác vũ khí của chiến đấu cơ Su-35 là "không thể chê vào đâu được" với 8 tấn bom, tên lửa mang trên 12 giá treo ở cánh và thân.
 
Rất nhiều chuyên gia nhận định rằng, tính năng của máy bay chiến đấu Su-35 đã vượt tất cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm Rafale Pháp và Eurofighter Typhoon của châu Âu, và có thể đối đầu hiệu quả với máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor của Không quân Mỹ.
 
>> [ĐỒ HỌA]: Sức mạnh của chiến đấu cơ Su-35 lừng danh
 
Theo Hòa Sơn (Đất Việt)