Thế giới

Tiêm kích J-10 Trung Quốc "khóa" được khách sộp đầu tiên?

Truyền thông Bangladesh ngày 15/3 cho hay, Không quân nước này có thể sẽ mua 14 tiêm kích J-10 của Trung Quốc để thay thế máy bay chiến đấu J-7MB.

Truyền thông Bangladesh ngày 15/3 cho hay, Không quân nước này có thể sẽ mua 14 tiêm kích J-10 của Trung Quốc để thay thế máy bay chiến đấu J-7MB.

Được biết, Không quân Bangladesh đang được trang bị một lượng lớn chiến đấu cơ của Trung Quốc, trong đó nhiều nhất phải kể đến J-7. Cùng với tiêm kích J-10, loại chiến đấu cơ này cũng do Công ty Chế tạo máy bay Thành Đô nghiên cứu. Ngoài ra, nước này còn trang bị một số máy bay cường kích A-5.

Không quân Banglader đã xây dựng kế hoạch hiện đại hóa đến năm 2030 và đang bắt đầu xem xét đến việc mua sắm chiến đấu cơ thế hệ mới.

Theo đó, trong tương lai, xương sống của không quân nước này sẽ có 2 loại máy bay gồm chiến đấu cơ đa năng 2 động cơ (MRCA) sử dụng radar mảng pha quét điện tử và có ít nhất 8 giá treo vũ khí, tầm bay 2500 km trở lên, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc như phòng không, cường kích mặt đất và tấn công trên biển.

Tiêm kích J-10 Trung Quốc khóa được khách sộp đầu tiên? - Ảnh 1.

Tiêm kích J-10 trong biên chế Không quân Trung Quốc.

Không quân Bangladesh có kế hoạch mua 8 chiến đấu cơ loại này, nhưng xét đến giá của loại chiến đấu cơ này tương đối cao, khó có thể thay thế được toàn bộ máy bay hiện có của không quân nước này, cho nên Không quân Bangladesh có thể vẫn sẽ trang bị 14 máy bay J-10 để thay thế hàng loạt J-7 hiện có.

Thông tin mà truyền thông Bangladesh tiết lộ cho thấy, chiến đấu cơ mà không quân nước này trang bị có thể là J-10B, phiên bản cải tiến của tiêm kích J-10A.

Điểm khác biệt lớn nhất của nó là sử dụng cửa hút khí DSI thay thế cửa hút khí mà J-10A sử dụng, do đó giảm thiểu trọng lượng rỗng khi bay, đồng thời còn giúp giảm diện tích phản xạ radar RCS của máy bay.

J-10B nội địa của Trung Quốc sử dụng radar mảng pha thụ động, tuy nhiên Bắc Kinh chỉ phê chuẩn xuất khẩu phiên bản radar mảng pha chủ động, vì thế, không còn cách nào khác, trong trường hợp Không quân Bangladesh quyết định mua dòng tiêm kích này, họ buộc phải chấp nhận điều kiện của nhà cung cấp.

Theo các chuyên gia, một khi J-10B được trang bị cho Không quân Bangladesh, chúng có thể chế áp được chiến đấu cơ JF-17 của Không quân Myanmar, thậm chí là so tài ngang ngửa cùng tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Nếu Trung Quốc đồng ý bán cả tên lửa không đối không dẫn đường radar chủ động tầm trung và xa thế hệ mới và tên lửa không đối không dẫn bắn ảnh hồng ngoại PL-10E, thì J-10B còn có thể đối kháng được cả với máy bay chiến đấu Rafale F-3 của Không quân Ấn Độ, đây sẽ là một bước nhảy vọt về khả năng tác chiến của Không quân Bangladesh.

Cần phải chỉ ra rằng J-10B còn có khả năng tấn công mặt đất tương đối mạnh khi sử dụng bom có điều khiển dựa trên hệ thống định vị dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc vốn đã bao phủ cả khu vực Nam Á. Nhờ vậy, Không quân Bangladesh có thể sử dụng thiết bị INS/GPS/BDS để nâng cấp bom thông thường hiện có thành bom dẫn đường vệ tinh.

Ngoài ra, J-10B còn có thể phóng tên lửa không đối đất thế hệ mới của Trung Quốc, thả bom dẫn đường laser, phóng tên lửa chống bức xạ CM-102, qua đó giúp Không quân Bangladesh có khả năng tấn công chính xác ngày và đêm, tấn công ngoài khu vực phòng thủ, chế áp phòng không của đối phương.

Với khách hàng đầu tiên này, Trung Quốc kỳ vọng J-10B tiếp tục săn tìm được thêm nhiều khách hàng mới trên thị trường quốc tế.

Theo Khang Minh (Trí Thức Trẻ)