Thế giới

Tham vọng lớn của Trung Quốc: Thay thế JH-7 bằng J-16

J-16 là phiên bản "nội địa hóa" máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Nga do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.

J-16 là phiên bản "nội địa hóa" máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Nga do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.

Kể từ khi đặt mua và tiếp nhận dòng tiêm kích hạng nặng Su-27 vào đầu thập niên 1990, đường lối phát triển chiến thuật của Không quân Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn, vượt ra ngoài khái niệm bảo vệ không phận hay tấn công cự ly gần như truyền thống.

Trung Quốc đã mua tới 100 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKK/MK2 để phối hợp tác chiến cùng Su-27, từ đó họ đã chế tạo ra các biến thể "nội địa hóa" bao gồm J-11 và J-16 mà theo đánh giá đã có bản sắc riêng, không đơn thuần chỉ là copy đúng theo nguyên mẫu Flanker nữa.

Tuy rằng không thu hút nhiều sự chú ý như J-20, nhưng Trung Quốc đánh giá rất cao chiếc J-16 và họ âm thầm chế tạo loại tiêm kích này với số lượng hiện đã lên tới hàng chục chiếc.

Tham vong lon cua Trung Quoc: Thay the JH-7 bang J-16

J-16 là chiếc chiến đấu cơ đa năng chứa đựng trong mình rất nhiều kỳ vọng của Không quân Trung Quốc

Được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất như thiết bị điện tử hàng không tinh vi, trọng tâm là radar mảng pha quét chủ động (AESA), vật liệu composite đặc biệt nâng cao tuổi thọ khung và giảm tín hiệu phản xạ radar... tính năng của J-16 thậm chí được đánh giá sánh ngang Su-35SK của Nga.

Do J-20 khá phức tạp nên sẽ chỉ được chế tạo không nhiều nhằm giữ vai trò chủ lực. Trong khi đó J-10 lại bị hạn chế về tầm bay cũng như tải trọng vũ khí, khó giành được lợi thế trước Su-30MKI của Ấn Độ hay F-15J của Nhật Bản.

Cho nên Trung Quốc đã dự định lên kế hoạch tăng sản lượng dây chuyền lắp ráp J-16 lên mức cao nhất.

Dự kiến trong tương lai không xa, J-16 sẽ thay thế vai trò của tiêm kích - bom JH-7 Flying Leopard để trở thành trọng tâm của chiến thuật tấn công tầm xa trong cả Không quân lẫn Không quân Hải quân Trung Quốc, điều này cũng dễ hiểu vì J-16 vượt trội JH-7 về tính năng không chiến lẫn oanh tạc mục tiêu mặt đất, mặt biển.

Không chỉ có vậy, thị phần xuất khẩu của máy bay Nga cũng đang đứng trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Trung Quốc, đặc biệt là khi họ đã nội địa hóa thành công gần đạt tỷ lệ 100%.

Chi phí rẻ hơn nhiều trong khi tính năng chẳng hề thua kém là lợi thế vô cùng đáng kể nhằm giành giật các thị trường thuộc "thế giới thứ ba".

Theo Chí Linh (Đất Việt)