Thế giới

Tên lửa phòng không tối tân VL-MICA liệu còn cơ hội được Việt Nam lựa chọn?

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về an ninh quốc phòng HSE 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, ngoài Exocet thì Tập đoàn MBDA của Pháp còn chào hàng cả tên lửa phòng không VL-MICA.

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về an ninh quốc phòng HSE 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, ngoài Exocet thì Tập đoàn MBDA của Pháp còn chào hàng cả tên lửa phòng không VL-MICA.

Tên lửa phòng không tối tân VL-MICA liệu còn cơ hội được Việt Nam lựa chọn?
 

Tổ hợp VL-MICA được trang bị hai loại đạn đánh chặn, đó là MICA/RF dùng đầu tự dẫn radar chủ động cùng MICA/IR lắp đặt đầu dò hồng ngoại, cho khả năng giao chiến đa dạng với nhiều loại mục tiêu khác nhau.

Khi làm nhiệm vụ phòng không, tên lửa MICA sẽ đạt tới tốc độ Mach 3, tầm bắn tối đa 20 km với độ cao lớn nhất là 9 km, giãn cách bắn giữa hai loạt bắn cách nhau chỉ khoảng 2 giây.

Tên lửa phòng không tối tân VL-MICA liệu còn cơ hội được Việt Nam lựa chọn? - Ảnh 1.

Tên lửa MICA/RF được bắn đi từ bệ phóng thẳng đứng triển khai trên tàu mặt nước và xe tải việt dã

Thực ra không phải hiện tại mà ngay từ năm 2014, khi mô hình tàu hộ vệ SIGMA 9814 do Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan thiết kế cho Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm Vietship với hệ thống VL-MICA-M bố trí phía trước thượng tầng, đã có dự đoán rằng hợp đồng sẽ sớm được ký kết.

Thậm chí Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI của Thụy Điển còn đưa thương vụ trên vào bản báo cáo tình hình mua sắm trang thiết bị quân sự thế giới năm 2015 của mình. Đáng tiếc rằng dự án SIGMA 9814 đang trong trạng thái "treo" nên đường về Việt Nam của tên lửa MICA vẫn còn xa lắc.

Vậy nếu không trang bị cho tàu chiến thì tổ hợp VL-MICA liệu có thể được chúng ta lựa chọn cho vai trò phòng không trên bộ?

Tên lửa phòng không tối tân VL-MICA liệu còn cơ hội được Việt Nam lựa chọn? - Ảnh 2.

Xe mang phóng tự hành của hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SPYDER-SR

Khả năng này thậm chí còn khó xảy ra hơn nữa vì lực lượng phòng không Việt Nam đã đưa vào biên chế các tổ hợp SPYDER-SR/MR tối tân do Israel sản xuất. SPYDER cũng sử dụng khái niệm tương tự VL-MICA, đó là tận dụng tên lửa không đối không Derby (dẫn đường radar chủ động) cùng Python-5 (đầu dò hồng ngoại) cho nhiệm vụ phòng không.

Mua sắm thêm một tổ hợp tương tự về khái niệm, thậm chí còn thua kém về tính năng nhưng vượt trội về tầm giá là điều chẳng nên một chút nào, chưa kể nó còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác hậu cần, đảm bảo kỹ thuật.

Do vậy, trừ khi tàu hộ vệ SIGMA 9814 được khởi công đóng mới thì tên lửa phòng không tối tân MICA may ra mới có cơ hội gia nhập biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam. Viễn cảnh trên thậm chí còn chưa chắc chắn như lúc ban đầu, vì hiện đã xuất hiện ý tưởng tích hợp SPYDER lên chiếc chiến hạm này để tạo sự thống nhất giữa phòng không trên bộ và trên biển.

Theo Sao Đỏ (Thời Đại)