Thế giới

Tên lửa bị chê 'đầy lỗi' Mỹ lần đầu sử dụng để không kích Syria

Cuộc không kích chớp nhoáng của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria

Oanh tạc cơ B-1B phóng 19 tên lửa AGM-158 JASSM vào ba mục tiêu của Syria, đánh dấu lần đầu loại vũ khí này tham chiến.

Mỹ, Anh, Pháp sáng 14/4 huy động tàu chiến, tàu ngầm và máy bay phóng tổng cộng 105 tên lửa vào các mục tiêu ở Syria. Lầu Năm Góc cho biết oanh tạc cơ B-1B Lancer tham gia cuộc không kích và phóng 19 quả đạn AGM-158 JASSM. Đây là lần sử dụng thực tế đầu tiên của JASSM, dự án tên lửa hành trình tầm xa từng bị chê là "đầy lỗi" và suýt bị hủy bỏ của Mỹ, theo Drive.

AGM-158 JASSM là tên lửa hành trình tàng hình tầm xa phóng từ máy bay do Lockheed Martin phát triển cho không quân Mỹ. Dự án AGM-158 khởi đầu từ 1995, nhưng hàng loạt vấn đề trong quá trình thử nghiệm khiến loại tên lửa này chỉ được biên chế từ năm 2009. Tới tháng 9/2016, Lockheed Martin đã bàn giao tổng cộng 2.000 tên lửa JASSM cho không quân Mỹ.

Chương trình JASSM được khởi động sau khi dự án AGM-137 TSSAM bị chấm dứt. TSSAM từng được kỳ vọng đem lại mẫu tên lửa tàng hình chính xác cao, nhưng việc quản lý kém khiến chi phí dự án bị đội lên quá cao. Quân đội Mỹ phải nhanh chóng tìm giải pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu cho không quân. Sau quá trình lựa chọn, Lockheed Martin giành được hợp đồng và bắt đầu phát triển biến thể AGM-158A.

Quá trình phát triển JASSM gặp nhiều vấn đề về độ ổn định. Năm 1999, Lockheed Martin bắt đầu thử nghiệm bay, sau đó tuyên bố thành công và đưa AGM-158 vào sản xuất tháng 12/2001. Một năm sau, nó bắt đầu được thử nghiệm trong thực tế. 

Cuối năm 2002, hai tên lửa thất bại trong quá trình kiểm tra, dự án bị hoãn ba tháng trước khi hoàn tất quá trình phát triển vào tháng 4/2003. Sau đó, có thêm hai lần thử thất bại do vấn đề của bệ phóng và động cơ tên lửa. Năm 2005, chương trình suýt bị hủy bỏ vì kết quả thử nghiệm kém.

Tháng 7/2007, chương trình cải tiến sự ổn định cho JASSM có trị giá 68 triệu USD được Lầu Năm Góc thông qua. Dự án tiếp tục bị trì hoãn tới tận mùa xuân năm 2008. Lockheed chấp thuận sửa chữa AGM-158 và chịu toàn bộ chi phí đồng thời thắt chặt quy trình sản xuất. Việc thử nghiệm năm 2007 cũng không hề suôn sẻ và tới năm 2009, chương trình lại phải đối mặt với việc có thể bị hủy bỏ một lần nữa. Phải đến cuối năm 2009, kết quả thử nghiệm tốt mới giúp không quân Mỹ chấp nhận JASSM vào biên chế.

Tên lửa bị chê 'đầy lỗi' Mỹ lần đầu sử dụng để không kích Syria
Tên lửa JASSM được lắp lên oanh tạc cơ B-1B trước trận không kích. Ảnh: Drive.

Mỗi quả đạn được trang bị một động cơ tuabin phản lực CAE J402, cho phép đạt tốc độ cận âm với tầm bắn 370 km. Phiên bản tăng tầm AGM-158B JASSM-ER ra đời vào năm 2002 sử dụng động cơ mới, cùng nhiều cải tiến trong khung thân, cho phép đạt tầm bắn tới 1.000 km mà không phải tăng kích thước. Lockheed Martin cho biết một tên lửa JASSM có giá 850.000 USD, trong khi chi phí cho mẫu JASSM-ER lên tới 1,4 triệu USD/quả.

Khung thân tên lửa có hình dáng đặc biệt, nhằm giảm khả năng phản xạ tín hiệu radar, trong khi vỏ ngoài dường như cũng được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar. Cánh nâng được gấp gọn để giảm kích thước quả đạn và chỉ mở ra sau khi phóng.

JASSM sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị toàn cầu từ khi phóng tới lúc tiếp cận mục tiêu. Tên lửa được trang bị đầu dò ảnh hồng ngoại để xác định và khớp mục tiêu, tăng tỷ lệ trúng đích cho từng quả đạn.

Đầu đạn WDU-42/B của JASSM được thiết kế với vỏ bằng kim loại đặc, hoặc sử dụng khối kim loại đặc ở đầu để tăng tối đa khả năng xuyên phá. Tên lửa được lắp ngòi nổ thông minh cho mục tiêu cứng (HTSF), giúp phân biệt các vật liệu như đất, bê tông, đá và không khí để tối ưu hóa sức nổ. Đầu đạn nặng khoảng 490 kg, trong đó chứa 115 kg thuốc nổ AFX-757.

Tên lửa JASSM ban đầu được thiết kế để trang bị cho tiêm kích F-16 và oanh tạc cơ B-52 của không quân, cùng mẫu F/A-18 E/F của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, hải quân Mỹ sau đó từ bỏ dự án này để theo đuổi dòng AGM-84H/K SLAM-ER. Các biến thể JASSM hiện nay có thể được phóng từ nhiều loại máy bay khác nhau, gồm oanh tạc cơ B-1B Lancer và B-2 Spirit.

Theo Việt Hòa (VnExpress.net)