Thế giới

Tàu ngầm Nga đắt hàng ở thị trường châu Á

Tàu ngầm điện - diesel của Nga đang lấn sân các hãng của châu Âu trên thị trường vũ khí ở châu Á - Thái Bình Dương, theo trang tin Russia Beyond The Headlines (RBTH, Nga) ngày 24.6.

Tàu ngầm điện - diesel của Nga đang lấn sân các hãng của châu Âu trên thị trường vũ khí ở châu Á - Thái Bình Dương, theo trang tin Russia Beyond The Headlines (RBTH, Nga) ngày 24.6.

Tàu ngầm lớp Kilo 636.1 của Hải quân Việt Nam, chiếc TP.Hồ Chí Minh - Ảnh: Mai Thanh Hải

 
Với đặc tính chạy êm, khả năng gần như tàng hình dưới nước và vũ trang các tên lửa nguy hiểm nhất thế giới, các tàu ngầm điện – diesel của Nga đang là lựa chọn của hải quân nhiều nước trên thế giới.
 
Theo RBTH, khả năng hoạt động cùng trang bị hoả lực hùng hậu của các tàu ngầm điện - diesel lớp Kilo khiến Nga dẫn đầu về cạnh tranh với các đối thủ Đức, Pháp và Hà Lan ở thị trường châu Á. Ngoài ra, lợi thế nữa của tàu ngầm Nga là do Mỹ hoàn toàn đứng ngoài cuộc chơi này, vì Mỹ không sản xuất tàu ngầm điện -– diesel.
 
Châu Á - Thái Bình Dương có hoạt động hàng hải tấp nập, và là tuyến đường biển sống còn của nhiều nước. Chẳng hạn Nhật Bản lệ thuộc 96% nhu cầu nhiên liệu từ đường biển, Hàn Quốc có đến 90% nhu cầu thực phẩm phải nhập khẩu qua đường hàng hải…
 
Hải quân là chìa khoá bảo đảm an ninh hàng hải, tuy nhiên hầu hết các nước châu Á có lực lượng hải quân nhỏ, khó đối đầu với vài nước có sức mạnh vượt trội. Theo RBTH, chẳng hạn hải quân Việt Nam, Indonesia không thể sánh được với hải quân Trung Quốc về quy mô và số lượng tàu chiến.
 
Tuy nhiên tàu ngầm mang lại lợi thế quân bình rất lớn. Bởi vì tàu ngầm ẩn nấp dưới lòng biển và có thể cầm giữ hạm đội của đối phương nằm yên trong bến cảng. Tàu ngầm vừa rất khó khăn để phát hiện, lại có thể tiêu diệt các tàu chiến lớn hơn nó nhiều lần.
 
Châu Á bắt đầu cuộc đua tàu ngầm từ năm 1997, khi Trung Quốc chính thức để nghị mua tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo của Nga. Năm 2003, Trung Quốc ký hợp đồng mua 8 tàu ngầm Kilo trị giá 1,6 tỉ USD từ Nga.
 
Hiện nay dù có số lượng tàu ngầm nhiều hơn cả Mỹ, nhưng các tàu ngầm do Trung Quốc tự đóng phần lớn chất lượng kém, nên nước này đặt cược vào việc mua tàu ngầm Kilo và loại hiện đại hơn là tàu lớp Lada của Nga để đối phó với Hải quân Mỹ.
 
“Động thái này của Trung Quốc là vì lý do kinh tế, chính trị và quân sự. Các tàu ngầm lớp Kilo được thiết kế để chống tàu ngầm và chống tàu chiến trong việc bảo vệ các căn cứ hải quân, bảo vệ vùng duyên hải và các tuyến đường biển, cũng như nhằm trinh sát và nhiệm vụ tuần tra", theo nhận đinh của chuyên gia David Isenberg trên tờ Asia Times. Ông còn cho biết thêm "Kilo được coi là một trong những tàu ngầm diesel chạy êm nhất trên thế giới, có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương ở khoảng cách gấp 3-4 lần so với bị tàu đối phương phát hiện nó”.
 
RBTH cho hay Nga đã trang bị tên lửa Klub cho các tàu ngầm Kilo bán cho Trung Quốc.
 
Hiện nay Nga đang phát triển lớp tàu ngầm Lada chạy bằng động cơ không phụ thuộc không khí (AIP), có thể ở dưới lòng biển đến 45 ngày không cần nổi lên. Tạp chí Strategy Page nhận xét lớp tàu Lada còn êm gấp 8 lần tàu ngầm lớp Kilo.
 
Trung Quốc được cho là đang đàm phán mua tàu ngầm Lada từ Nga. Một khi có tàu ngầm Lada, Trung Quốc có thể triển khai loại tàu ngầm này hoạt động ở Ấn Độ Dương cách xa các căn cứ tại Trung Quốc. So với Kilo, tàu lớp Lada khó phát hiện từ xa hơn và do vậy tàu ngầm Lada mà Trung Quốc sở hữu có thể qua mặt máy bay và tàu chiến săn ngầm của Nhật Bản.
 
Tạp chí The Diplomat còn cho rằng cả tàu ngầm thế hệ thứ 5 là lớp Kalina của Nga cũng rất có thể được bán cho Trung Quốc.
 

Tàu ngầm Khánh Hoà đã kết thúc hơn 1 tháng chạy thử nghiệm ở vùng biển Baltic, quay về Nhà máy Admiralty (St.Petersburg, Nga) ngày 22.5.2015 - Ảnh: Airbase

 
Trước sự bành trướng trên biển của Hải quân Trung Quốc, nhiều nước châu Á cũng đang gia tăng đầu tư cho lực lượng hải quân nước mình. Việt Nam từ cuối năm 2009 đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga và xây 1 cơ sở bảo dưỡng ở Cam Ranh, tổng trị giá 3,2 tỉ USD, theo RBTH. Đến nay đã có 4 tàu ngầm về Việt Nam, chiếc cuối cùng sẽ bàn giao năm 2016.
 
“Với trên 50 quả mìn biển cùng các ngư lôi, tên lửa Klub mang theo, tàu ngầm Kilo (của Việt Nam) đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận/chống thâm nhập”, theo một báo cáo của Học viện Hải quân Mỹ năm 2013.
 
Chiến lược phòng thủ của Indonesia đặt ra đến năm 2024 tăng gấp 5 lần số tàu ngầm của nước này. Indonesia có thời gian dài dùng tàu ngầm của Liên Xô, khi vào năm 1967 đặt mua 12 tàu ngầm lớp Whiskey. Năm 2013, Indonesia thương lượng mua tàu ngầm Kilo của Nga nhưng chưa đạt được hợp đồng.
 
Thái Lan, Malaysia cũng quan tâm xây dựng đội tàu ngầm. Malaysia đang sử dụng tiêm kích Su-30MKM của Nga và quan tâm các loại tàu ngầm Kilo lẫn Lada.
 
Lãnh thổ Đài Loan cũng đang đầu tư cho tàu ngầm, nhưng khó có đối tác nước ngoài cung cấp vì sức ép từ Trung Quốc. Nếu Nga tiếp cận được thì sẽ mở ra thị trường mới ở đây, theo RBTH.
 
Một khách hàng tiềm năng khác của tàu ngầm Nga là Bangladesh. Nước này ban đầu muốn mua tàu ngầm của Trung Quốc nhưng Ấn Độ (nước sử dụng 10 tàu ngầm Kilo của Nga) thuyết phục Bangladesh mua tàu ngầm của Nga. Và có tin Bangladesh đang đàm phán mua 2 tàu ngầm Kilo của Nga.
 
Theo RBTH, việc chạy đua mua sắm tàu ngầm mới ở châu Á một phần bị thúc đẩy bởi sự bất an về địa chính trị. Nhưng trong một khu vực mà các nước có sự không tin tưởng nhau sâu sắc, tàu ngầm có thể chứng minh là một trong những khả năng răn đe để góp phần tạo nên sự ổn định.
 

Số lượng tàu ngầm của các nước và lãnh thổ châu Á (trừ Mỹ) tinh đến năm 2015 cho thấy Trung Quốc và Nga chiếm ưu thế về chủng loại và số lượng - Nguồn: Naval-graphics

 
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)