Thế giới

Tàu hộ vệ săn ngầm P-28 Kamorta có phù hợp với Việt Nam?

Gần đây, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể đặt mua tàu hộ vệ săn ngầm P-28 Kamorta của Ấn Độ. Vậy lớp tàu này có phù hợp với yêu cầu tác chiến của Hải quân Việt Nam?

Gần đây, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể đặt mua tàu hộ vệ săn ngầm P-28 Kamorta của Ấn Độ. Vậy lớp tàu này có phù hợp với yêu cầu tác chiến của Hải quân Việt Nam?
Từ nhu cầu có thực…
 
Hiện nay, lực lượng tàu mặt nước săn ngầm chuyên nhiệm của Hải quân Nhân dân Việt Nam chỉ có 5 chiếc Petya đã già cỗi, lạc hậu và trong tương lai gần có khả năng phải hoán cải thành tàu pháo tuần tra.
 
Do vậy, trong khi chờ được bổ sung các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 hay Sigma 9814 có khả năng săn ngầm thực sự, thì sẽ tồn tại một khoảng trống tương đối lớn trong việc truy tìm và tiêu diệt tàu ngầm đối phương.
 

Tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Việt Nam hiện đã rất già cỗi

 
Rõ ràng với vùng biển rộng, giàu tài nguyên, lại nằm trong bối cảnh các quốc gia khu vực nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại.
 
Bên cạnh đó, tranh chấp trên biển Đông ngày càng căng thẳng, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang cục bộ thì nhu cầu về một lớp tàu hộ vệ săn ngầm choán nước lớn, có khả năng tác chiến biển xa, dài ngày là hết sức cần thiết.
 
… đến Kamorta có là lựa chọn tốt?
 
Trước hết, nhìn khách quan thì P-28 Kamorta là một lớp tàu hộ vệ săn ngầm tàng hình tương đối hiện đại, được trang bị vũ khí, khí tài săn ngầm và phòng không khá mạnh.
 
Tàu có lượng choán nước đầy tải 3.500 tấn; tốc độ tối đa 32 hải lý/h (57 km/h); dự trữ hành trình 3.500 hải lý; kíp tàu gồm 13 sĩ quan và 173 thủy thủ.
 
Hệ thống cảm biến điện tử và xử lý tín hiệu gồm: Radar cảnh giới nhìn vòng 3D-CAR 3 tham số, cự ly trinh sát 200 km, bám đủ tham số cùng lúc 150 mục tiêu; radar kiểm soát hỏa lực EL/M-2221 STGR; cảm biến gắn trên thân tàu HUMSA.
 
Ngoài ra trên tàu còn có khí tài thông tin - kết nối dữ liệu toàn tàu bằng cáp quang BEL RAWL02; khí tài dẫn bắn bom chìm BEL Sanket Mk III cùng hệ thống gây nhiễu điện tử và mỗi bẫy DESEAVER MK.
 
Vũ khí gồm có 1 pháo Oto SRGM 76,2 mm; 2 pháo phòng không bắn nhanh AK-630; 2 cụm rocket săn ngầm RBU-6000; 2 cụm x 3 ống phóng ngư lôi săn ngầm; 2 cụm x 8 tên lửa phòng không Barak phóng thẳng đứng và 1 trực thăng săn ngầm Westland Sea King Mk.42B hoặc Ka-28.
 

P-28 Kamorta có hệ thống điện tử tinh vi và vũ khí khá mạnh

 
Tuy nhiên, Hải quân Việt Nam có lẽ cần phải cân nhắc thêm một số yếu tố quan trọng sau đây:
 
Thứ nhất, vũ khí do Ấn Độ tự phát triển thường có ít đột phá, mang tính cóp nhặt sao chép mẫu mã của các loại vũ khí Nga hay phương Tây, thời gian từ khi nghiên cứu cho đến sản xuất hàng loạt là quá chậm, đến lúc đưa vào trang bị thì thường đã lạc hậu.
 
Có thể kể ra đây một vài ví dụ điển hình như xe tăng chiến đấu chủ lực Ajun, tên lửa phòng không Akash hay máy bay tiêm kích hạng nhẹ Tejas.
 
Dự án tàu hộ vệ săn ngầm P-28 Kamorta cũng không ngoại lệ, Hải quân Ấn Độ đặt hàng từ năm 2003, tháng 11/2006 đặt ky khởi đóng chiếc đầu tiên và tháng 4/2010 mới hạ thủy.
 
Tuy nhiên mãi đến tháng 8/2014, tức là sau 9 năm kể từ khi khởi đóng nó mới chính thức được đưa vào biên chế.
 
Thứ hai, độ tin cậy và tính năng vũ khí do Ấn Độ tự phát triển chưa được kiểm chứng trong thực tế. Mặc dù được quảng cáo là hiện đại, vượt trội, nhưng có lẽ vẫn có sự thua kém nhất định so với vũ khí cùng loại của Nga, phương Tây, thậm chí là so với cả Trung Quốc.
 
Đó là chưa kể khả năng phát sinh lỗi trong quá trình vận hành do vũ khí trang bị đến từ nhiều nguồn khác nhau.
 
Cụ thể: tổ hợp phóng đạn săn ngầm và pháo phòng không bắn nhanh là của Nga, pháo chính của Ý, radar điều khiển và tên lửa phòng không của Israel, radar cảnh giới nhìn vòng và hệ thống sonar của Ấn Độ…
 
Việc tích hợp hệ thống chỉ huy, điều khiển đồng bộ, hiệu quả cho tất cả các loại vũ khí, khí tài trên hết sức phức tạp. Khi phát sinh sự cố, việc khắc phục sẽ mất nhiều thời gian và khả năng tàu bị loại khỏi biên chế tạm thời là rất cao.
 

Thời gian phát triển quá dài, vũ khí - khí tài "Liên hiệp quốc" sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình khai thác sử dụng

 
Thời gian phát triển quá dài, vũ khí - khí tài "Liên hiệp quốc" sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình khai thác sử dụng
 
Thứ ba, tàu có choán nước lớn nhưng gần như là loại đơn nhiệm, chỉ tập trung cho khả năng săn ngầm và phòng không, còn chống tàu là con số “0” do không được trang bị tên lửa diệt hạm.
 
Giá thành của lớp tàu này khá cao, bản đóng cho Hải quân Ấn Độ ước tính đơn giá lên tới gần 450 triệu USD/chiếc, gấp khoảng hơn 2 lần so với tàu hộ vệ săn ngầm Gepard 3.9. Nếu xuất khẩu, chắc chắn giá thành sẽ còn cao hơn nữa.
 
Trong khi đó, với nguồn ngân sách còn hạn hẹp, ít nhất trong vòng 5 - 7 năm tới đây hoặc thậm chí xa hơn, Hải quân Việt Nam vẫn sẽ ưu tiên cho các tàu đa năng kết hợp săn ngầm, diệt hạm và có khả năng phòng không nhất định.
 
Tóm lại, nhu cầu mua tàu săn ngầm tàng hình choán nước lớn, hiện đại có khả năng tác chiến biển xa về lâu dài là cần thiết.
 
Với xu hướng hợp tác quốc phòng chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa 2 nước, không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ cấp tín dụng cho Việt Nam để mua lớp tàu này.
 
Do vậy, cần theo dõi sát sao và đánh giá chi tiết khả năng vận hành, tác chiến của các tàu P-28 có trong biên chế Hải quân Ấn Độ, đồng thời nghiên cứu cấu hình vũ khí, trang bị phù hợp trước khi ra quyết định cuối cùng để có thể đặt mua vào thời điểm thích hợp.
 
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)