Thế giới

Tăng Armata không hề mang tính cách mạng

Theo Đại úy Stefan Buhler, dù tăng Armata có nhiều thay đổi về thiết kế cũng như kiểu dáng nhưng nó không hề mang tính cách mạng.

Nhận định trên được Đại úy Stefan Buhler từ Hiệp hội sĩ quan xe tăng Thụy Sĩ đưa ra trong bài viết phân tích về chiếc tăng T-14 Armata thế hệ mới nhất của Nga.

Cụ thể, T-14 Armata không phải là cái gì đó mang tính cách mạng, nhưng dù sao vẫn vượt trước ngành chế tạo xe tăng phương Tây chừng 3-5 năm. Rõ ràng các chuyên viên Nga là những người đầu tiên đưa vào cấu trúc tháp không có người, làm cho cỗ xe chiến đấu trở nên nhẹ nhàng hơn và do vậy di chuyển linh hoạt hơn.

Tăng Armata không hề mang tính cách mạng
Tăng Armata.

Những công nghệ khác cũng không thực sự là mới mẻ, nhưng trong tổng hòa với nhau lại tạo thành nhánh mới. Khác với các nhà quân sự phương Tây, người Nga rất thực dụng.

Vị Đại úy này cho rằng: "Tốt hơn hết là tìm ra giải pháp 80% nhưng làm việc được ngay và có thể tối ưu hóa tiếp theo trên cơ sở kinh nghiệm thu được qua thử nghiệm và sử dụng, còn hơn là cứ đợi thứ hoàn chỉnh 100% là con hổ giấy".

Như vậy, trong khi Nga đã có chiếc xe tăng thế hệ mới, thì phương Tây nếu may mắn nhất vẫn phải tính sẽ có nguyên mẫu muộn hơn đến 3-5 năm. Tuy nhiên, tới thời điểm đó hẳn là quân đội Nga đã kịp tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện và cho ra đời những sáng chế mới.

Cùng với nhận định của Stefan Buhler về thiết kế của Armata không thực sự không mang tính cách mạng, đích thân Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Uralvagonzavod, Alexander Potapov còn khiến thế giới bất ngờ hơn bằng tuyên bố đến thời điểm hiện tại, loại đạn chuyên dùng cho tăng Armata vẫn chưa được sản xuất.

Đây là tuyên bố khá bất ngờ bởi trước đó, chính vị Giám đốc của Uralvagonzavod, ông Vyacheslav Khalitov khẳng định, trong giai đoạn từ 2016-2017, lực lượng tăng thiết giáp Nga sẽ được tiếp 20 chiếc tăng Armata với trọng pháo lớn nhất thế giới với loại đạn đặc biệt có bắn xuyên tấm thép dày tới 1m.

Ông Vyacheslav Khalitov cho biết, công ty đã sản xuất lô xe tăng Armata đầu tiên và hiện đang trải qua quá trình thử nghiệm, trong số 20 chiếc bàn giao đầu tiên cho quân đội có một số chiếc được trang bị trọng pháo 152 mm và đạn chuyên dụng.

Một khi loại pháo 152 mm được Nga tích hợp trên tăng Armata, điều đó đồng nghĩa với việc siêu tăng này sở hữu loại pháo lớn nhất thế giới bởi hiện nay, tăng Abrams của Mỹ có cỡ nòng 120mm, tăng chủ lực Challenger 2 của Anh với pháo chính L30A1 120mm và trên dòng tăng Đức cũng chỉ có cỡ nòng 120 mm.

Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là đến nay, loại đạn chuyên dụng của Armata vẫn chưa được Nga sản xuất và phiên bản Armata được trang bị pháo 152 mm vẫn chưa thấy xuất hiện.

Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)