Thế giới

'T-55 nâng cấp' tham dự đua xe tăng châu Âu, Việt Nam có nên học tập với T-54M3?

Trong cuộc thi Strong Europe Tank Challenge 2018, Quân đội Rumani đã gây bất ngờ khi mang tới đây chiếc TR-85 để tranh tài cùng những xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới.

Giải đấu xe tăng châu Âu - Strong Europe Tank Challenge (SETC) được xem như một đối trọng với Tank Biathlon do Nga tổ chức, thành phần tham dự là quân đội các quốc gia NATO và một số đối tác của khối quân sự này.

So với Tank Biathlon thì SETC được đánh giá hấp dẫn hơn ở chỗ quy tụ rất nhiều dòng chiến xa hàng đầu thế giới hiện nay do Đức, Anh, Pháp, Mỹ... sản xuất.

Bên cạnh các dòng MBT mang đậm phong cách phương Tây, cuộc thi SETC lần đầu tiên diễn ra năm 2016 có điểm nhấn là chiếc M-84 của Slovenia, đây là phiên bản xe tăng T-72 do Nam Tư cũ sản xuất theo giấy phép của Liên Xô.

Sang năm 2017, Ukraine lần đầu tham dự với chiếc T-64BM và năm nay họ quay lại bằng dòng chiến xa mạnh nhất của mình T-84 Oplot. Tuy nhiên thu hút sự chú ý nhiều nhất tại cuộc đua xe tăng năm nay có lẽ chính là chiếc TR-85 của Rumani.

'T-55 nâng cấp' tham dự đua xe tăng châu Âu, Việt Nam có nên học tập với T-54M3?
Danh sách các đội tuyển và chủng loại xe tăng tham dự giải đấu Strong Europe Tank Challenge 2018

Xe tăng chiến đấu chủ lực TR-85 được phát triển trong giai đoạn 1978 - 1985 dựa trên cơ sở chiếc TR-77-580 (phiên bản T-55 do Rumani sản xuất). Quá trình sản xuất TR-85 diễn ra từ năm 1986 tới 1990.

Tháng 3/1994, Rumani quyết định nâng cấp chiếc MBT của mình theo tiêu chuẩn NATO, kết quả của quá trình hiện đại hóa chính là chiếc TR-85-M1 có rất nhiều thay đổi so với nguyên bản.

Cụ thể, trái tim của xe tăng là động cơ V8 công suất máy 830 mã lực của Đức, tháp pháo bổ sung các phiến giáp gia cường, lắp đặt thêm hệ thống kiểm soát hỏa lực Ciclop, thay đổi hệ thống treo thành 6 bánh chịu lực mỗi bên với tấm chắn xích che kín hông, khối lượng của chiếc TR-85-M1 lên tới 50 tấn.

Tuy nhiên vũ khí chính của TR-85-M1 vẫn là pháo A308 (bản sao D-10T2S) cỡ 100 mm như trên xe tăng TR-77 với cơ số đạn 41 viên, 1 súng máy đồng trục PKT 7,62 mm và 1 súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm.

'T-55 nâng cấp' tham dự đua xe tăng châu Âu, Việt Nam có nên học tập với T-54M3? - 1
Xe tăng chiến đấu chủ lực TR-85-M1 của Rumani

Việc Rumani tự tin mang một chiếc xe tăng "đồ cổ" tới đua tranh cùng các loại chiến xa hàng đầu thế giới có lẽ do họ dựa trên thành tích đối đầu trong quá khứ cùng M1 Abrams của Mỹ.

Hồi năm 2014, trong cuộc huấn luyện cùng các đơn vị xe tăng đến từ 14 quốc gia NATO khác tại thị trấn Hohenfels, TR-85-M1 của Rumani đã thực hành đối kháng với M1 Abrams và giành chiến thắng giòn giã khi hạ gục tới 8 trên 11 chiếc MBT của Mỹ, một kết quả thực sự khó tin.

Tuy nhiên khi tranh tài tại SETC 2018, rất khó để TR-85-M1 có thể lập thêm kỳ tích vì những nội dung thi đấu là vô cùng khắc nghiệt.

Tại Strong Europe Tank Challenge 2017, chiếc T-64BM của Ukraine đã thất bại nặng nề trong khi tính năng kỹ chiến thuật của nó vẫn được đánh giá là nhỉnh hơn xe tăng chiến đấu chủ lực của Rumani. Mặc dù vậy, không nên loại trừ khả năng sẽ xảy ra một số bất ngờ thú vị nào đó.

Ngoài ra việc Rumani cử xe tăng do chính mình sản xuất tới SETC 2018 còn là lời gợi ý cho những quốc gia khác (ví dụ như Việt Nam với xe tăng T-54M3) rằng hãy mạnh dạn mang các mẫu chiến xa nâng cấp tới đua tài cùng những dòng MBT hiện đại hơn, để qua đó đánh giá chính xác nhất tính năng kỹ chiến thuật của chúng.

Theo Sao Đỏ (Soha/Trí Thức Trẻ)