Thế giới

Sukhoi Su-47 - "Đại bàng" cánh ngược đầu tiên của Không quân Nga

Sở hữu thiết kế cánh ngược độc đáo và độ cơ động cao, tiêm kích Su-47 của Nga vẫn không được sản xuất hàng loạt do chi phí đắt đỏ và yêu cầu kỹ thuật cao.

 

Sở hữu thiết kế cánh ngược độc đáo và độ cơ động cao, tiêm kích Su-47 của Nga vẫn không được sản xuất hàng loạt do chi phí đắt đỏ và yêu cầu kỹ thuật cao.

Mẫu máy bay cánh ngược này đã khiến quân đội Liên Xô nảy sinh những ý tưởng về một phiên bản tiêm kích có đôi cánh độc đáo này.

Sukhoi Su-47 - Đại bàng cánh ngược đầu tiên của Không quân Nga - Ảnh 1.
"Đại bàng vàng" Sukhoi Su-47 với thiết kế cánh ngược độc đáo

Một dự án nghiên cứu toàn diện về tính năng của mẫu tiêm kích cánh ngược đã được thành lập, với tốc độ đạt đến ngưỡng tốc độ âm thanh. Tuy nhiên, do những khó khăn về công nghệ vào thời điểm đó, những yêu cầu kỹ thuật phức tạp cho dự án này đã đẩy chi phí sản xuất lên rất cao.

Đến năm 1983, Liên Xô mới quyết định chính thức khởi động dự án tiêm kích cánh ngược và bàn giao cho hãng thiết kế nổi tiếng Sukhoi. Khi Liên Xô sụp đổ và không còn tài trợ cho dự án, Sukhoi vẫn tiếp tục dự án nghiên cứu này.

Các chuyến bay đầu tiên của phiên bản tiêm kích thử nghiệm cánh ngược có định danh S-37 được tiến hành vào ngày 25/09/1997. Đến năm 2002, không quân Nga quyết định đổi tên mẫu S-37 thành Su-47 Berkut (Đại bàng vàng).

"Đại bàng vàng" Sukhoi Su-47 phô diễn khả năng cơ động trên bầu trời

Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh, tiêm kích cánh ngược Su-47 Berkut có sự cơ động tuyệt vời, đặc biệt trong không chiến và có thời gian cất - hạ cánh cực nhanh.

Thiết kế cánh ngược mang lại ưu thế về lực nâng, khả năng cơ động cao khiến nhiều chuyên gia quân sự tin rằng Su-47 sẽ là mẫu tiêm kích hạm tương lai của hải quân Nga.

Cánh của Su-47 sử dụng vật liệu tổng hợp composite nhằm khắc phục nhược điểm của thiết kế cánh ngược là tình trạng lực phân bố không đều. Với sải cánh lớn, cánh của Su-47 được thiết kế có khả năng gấp lại phù hợp với những nhà chứa máy bay có sẵn của Nga.

Sukhoi Su-47 - Đại bàng cánh ngược đầu tiên của Không quân Nga - Ảnh 3.
Tuy nhiên, phiên bản thử nghiệm chưa thể vượt qua tốc độ Mach 1,6 thậm chí khi ở độ cao lớn.

Trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, tốc độ của các mẫu tiêm kích đến từ Mỹ và các nước phương Tây ngày càng được cải thiện khiến Su-47 ngày càng trở nên yếu thế.

Cùng với giá thành sản xuất đắt đỏ và thiết kế cánh ngược tuy có tính cơ động nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gãy rời bất cứ lúc nào nếu bay ở tốc độ quá cao, "đại bàng vàng" Sukhoi Su-47 không được sản xuất hàng loạt nhưng những công nghệ hiện đại của nó đã được áp dụng cho mẫu tiêm kích tàng hình T-50 của không quân Nga.

Theo Phan Hoàng (Nguoiduatin.vn)