Thế giới

Su-30 có thể trang bị động cơ của Su-35?

Quân đội Nga và đại diện ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang xem xét khả năng trang bị cho máy bay tiêm kích Su-30SM động cơ Al-41F-1S.

Quân đội Nga cùng với đại diện ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang xem xét khả năng trang bị cho máy bay tiêm kích Su-30SM động cơ Al-41F-1S, hiện đang được sử dụng trên máy bay tiêm kích Su-35S.

Thông tin về sự phát triển này xuất hiện trong cuộc thi “Nhà sản xuất máy bay của năm” do công ty sản xuất máy bay động cơ của Nga “ODK-UMPO” nghiên cứu.

Su-30 có thể trang bị động cơ của Su-35?
Nga đang nghiên cứu phát triển chiếc máy bay Su-30 có thể trang bị động cơ của Su-35.

Khác nhau giữa “Sukhoi”

Nhà máy sản xuất máy bay ở Irkutsk và Komsomolsk đã sản xuất một máy bay thành các loại phiên bản khác nhau. Komsomolsk tạo ra máy bay chiến đấu Su-27P và Su-27S, còn Irkutsk tạo ra máy bay huấn huyện Su-27UB.

Trong thời kỳ Xô Viết, dựa trên phiên bản Su-27UB người ta đã tạo ra chiếc Su-30 đầu tiên, và chúng được coi là chiếc máy bay có tương lai đầy hứa hẹn của lực lượng không quân của Liên Xô.

Việc bàn giao hàng loạt Su-30 bắt đầu từ năm 1992 nhưng sau đó giảm nhanh chóng vì chi tiêu quốc phòng thời điểm đó không cho phép sản xuất quy mô lớn. Kể từ thời điểm này các phòng thiết kế bắt đầu phát triển phiên bản xuất khẩu chiếc máy bay này. Việc tiếp tục phát triển dòng T-10 (định danh Su-27 và các phiên bản sửa đổi) đã đạt được những thành công nhất định.

Từ cơ sở ban đầu, tại nhà máy Irkutsk tiếp tục tạo ra loại máy bay Su-30MKI, đây là phiên bản được tạo ra vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước cho lực lượng không quân Ấn Độ, và một phiên bản cải tiến của loại máy bay này là Su-30SM có trong lực lượng hàng không vũ trụ Nga (VKS) ngày nay.

Đối với nhà máy Komsomolsk, họ tiếp tục sản xuất và hiện đại hóa các máy bay tiêm kích Su-27, chúng được bàn giao cho Trung Quốc, Indonesia và các nước khác trong đó có Việt Nam (phiên bản Su-30MKK cung cấp cho Trung Quốc, phiên bản hiện đại hóa cung cấp cho Việt Nam và Venezuela là Su-30MK2). Ngoài ra Nga còn thay đổi một số bộ phận quan trọng để tạo ra Su-30M2 cung cấp cho quân đội.

Sau những thành công này, nhà máy Komsomolsk tiếp tục nghiên cứu và phát triển đến giới hạn chiếc máy bay Su-27, dẫn đến sự xuất hiện của Su-35S và cuối cùng là thế hệ thứ 5 T-50 (Su-57).

Ở Irkutsk từ giữa những năm 2000 họ tập trung phát triển máy bay chở khách. Sau này là máy bay chở khách tầm trung MS-21 hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Do sự phát triển độc lập giữa Su-30MKI và Su-35 nên chúng gần như khác nhau. Cơ cấu bên trong khác nhau, hình dạng bên ngoài ngoài sự khác biệt giữa buồng lái một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi...

Nhìn chung Su-35S bên ngoài dường như rất giống với Su-27, tuy nhiên chúng chỉ giống về ngoại hình chung. Thực tế đây là chiếc máy bay chuyển giao thế hệ, là sự kết hợp của một phiên bản thế hệ thứ 4 với các hệ thống và trang bị được phát triển cho máy bay thế hệ thứ 5.

Nhà nước đặt hàng và “Super-30”

Năm 2009, Bộ Quốc phòng quyết định tiếp tục mua hàng loạt loại máy bay Su-35S và Su-30M2. Tuy nhiên vấn đề liên quan đến việc sản xuất hàng loạt Su-35S đến giữa năm 2010 mới giải quyết xong, điều này dẫn đến năm 2012, Su-30SM trở thành lựa chọn chính của Bộ Quốc phòng Nga.

Cuối cùng Su-30SM trở thành loại máy bay tiêm kích chính. Tổng cộng lực lượng hàng không vũ trụ Nga và lực lượng không quân của Hải quân đã đặt hàng 116 chiếc, đến nay hơn 100 chiếc đã được bàn giao. Đối với Su-35 có xuất phát điểm chậm hơn nhưng vẫn tiếp tục được cung cấp cho VKS Nga hơn 80 chiếc, ngoài ra loại máy bay này đã được bàn giao cho Trung Quốc và sắp tới là Indonesia.

Hợp đồng lớn trong tương lai cho loại máy bay này đang được thảo luận với sự thay đổi về hình dạng cũng đã được tính đến. Kết quả của cuộc thảo luận trước đây đã đi đến dự án “Super-30” đại diện là phiên bản Su-30MKI. Trong số những thay đổi có việc lắp đặt động cơ AL-41 trên phiên bản cải tiến.

Việc nghiên cứu phiên bản xuất khẩu có những thành tựu khiến quân đội Nga quan tâm và muốn cải thiện máy bay của họ trong sự thống nhất. Hợp nhất Su-30SM và Su-35S, đặc biệt là việc sử dụng cùng một động cơ sẽ đơn giản hóa việc bảo dưỡng máy bay và giảm chi phí sản xuất AL-41 do tăng về số lượng.

Ngoài sự phát triển về đặc tính bay, việc lắp đặt Al-41F-1S trên Su-30SM sẽ cho phép cải thiện các hệ thống điện tử của máy bay tiêm kích, đặc biệt là với việc sử dụng radar N035 hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

Và cuối cùng những bước đi phát triển máy bay tiêm kích Nga trong tương lai sẽ có trong lựa chọn sau:

Một là Su-30SM tiếp tục được hiện đại hóa, tuy nhiên VKS Nga sẽ  mua Su-35S của “Komsomol” sản xuất, trong khi “Irkut” giảm thiểu việc sản xuất máy bay tiêm kích và sẵn sàng chuyển sang sản xuất máy bay chở khách.

Hai là Su-30SM tiếp tục được hiện đại hóa, đồng thời những hợp đồng mới cung cấp cho VKS loại máy bay này sẽ tiếp tục được thực hiện do chi phí của nó thấp hơn Su-35S. Còn “Komsomol” tiếp tục sản xuất Su-35 những chỉ để xuất khẩu và dần dần sản xuất hàng loạt thế hệ thứ 5 Su-57.

Thứ ba là hiện đại hóa Su-30SM đi kèm với việc mua hàng loạt máy bay tiêm kích của cả hai nhà máy.

Lựa chọn thứ 3 là khả năng nhỏ nhất vì ngân sách quốc phòng không cho phép cũng như đang tiến hành việc sản xuất hàng loạt máy bay ném bom Su-34 ở Novosibirsk. Việc lựa chọn nào trong hai phương án trên chúng ta sẽ được biết trong tương lai gần.

Theo Nguyễn Đông (Đất Việt)