Thế giới

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển

Stridsvagn 2000 (Strv 2000) là sản phẩm của dự án phát triển xe tăng chủ lực thế hệ mới, có vai trò thay thế những chiếc Strv 103 và Strv 104 đang phục vụ trong Quân đội Thụy Điển.

Stridsvagn 2000 (Strv 2000) là sản phẩm của dự án phát triển xe tăng chủ lực thế hệ mới, có vai trò thay thế những chiếc Strv 103 và Strv 104 đang phục vụ trong Quân đội Thụy Điển.

Nhằm đáp ứng yêu cầu từ Quân đội Thụy Điển về một mẫu xe tăng mới, thông số kỹ thuật của những chiếc chiến xa hiện đại đang phục vụ trong quân đội các quốc gia phương Tây như M1 Abrams hay Leopard 2 đã được đưa ra so sánh và trở thành các tiêu chí để phát triển Strv 2000.

Dự án chính thức khởi động vào năm 1984, chiếc MBT này dự kiến sẽ phục vụ từ đầu những năm 2000 đúng như tên gọi của nó trong tiếng Thụy Điển - Stridsvagn 2000 (Xe tăng 2000).

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển - Ảnh 1.

Xe tăng Strv 103 (trái) và Strv 104 (phải)

Yêu cầu của Quân đội Thụy Điển đối với mẫu MBT mới là bảo đảm an toàn cho kíp lái cũng như khả năng sống sót của xe. Đây là yếu tố tiên quyết, quan trọng hơn cả độ cơ động hay sức mạnh hỏa lực. Ngoài ra chiếc xe tăng còn phải đơn giản trong huấn luyện và vận hành. Bên cạnh các tiêu chí chính kể trên, còn 3 yêu cầu mà Strv 2000 cần đạt được.

Thứ nhất, nó phải có khả năng bắn trong khi di chuyển ở tất cả các hướng (ở các xe tăng hạng nhẹ hoặc được trang bị pháo hạng nặng, đây là vấn đề không dễ giải quyết). Thứ hai, kíp lái phải có tầm quan sát rộng và bao quát. Thứ ba, trong trường hợp trúng đạn dẫn tới kích nổ buồng đạn, vẫn phải đảm bảo sống sót cả cho kíp lái lẫn phần còn lại của xe.

Những kinh nghiệm và công nghệ thu được từ dự án phát triển xe tăng hạng nhẹ UDES những năm 1970 đã được tận dụng để phát triển mẫu MBT nội địa. Strv 2000 ra đời nhằm đối chọi lại các đối thủ tiềm tàng thời điểm đó cũng như trong tương lai gần, từ Liên Xô hay từ các quốc gia thù địch.

Tới năm 1985, ít nhất 3 ý tưởng thiết kế đã được đề ra cho dự án Strv 2000. Ý tưởng đầu tiên mang thiết kế truyền thống quy ước của xe tăng với kíp lái 4 người, trong khi hai đề xuất còn lại được thiết kế với tháp pháo nhỏ gọn hơn cho kíp lái 3 người.

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển - Ảnh 2.

Xe tăng T-80 - Kẻ thù tiềm tàng của Strv 2000

Khẩu pháo chính uy lực rất mạnh của xe tăng Stridsvagn 2000

Ban đầu, các kỹ sư dự tính sử dụng pháo 120 mm chuẩn NATO để tạo thuận lợi cho quá trình phát triển. Tuy nhiên để có hỏa lực mạnh mẽ, đủ hạ gục bất cứ đối thủ tiềm tàng nào, pháo 140 mm được cho là sự lựa chọn tốt hơn.

Trong các lần thử nghiệm, pháo 140 mm cho thấy sức xuyên phá mạnh hơn pháo 120 mm từ 25 - 50% tùy khoảng cách. Việc trang bị pháo cỡ nòng lớn lại gây nảy sinh một số vấn đề, do đạn pháo 140 mm lớn và nặng hơn khá nhiều so với đạn 120 mm, cho nên cơ số đạn của xe sẽ giảm đi.

Hệ thống nạp đạn tự động là một yêu cầu cấp thiết nếu muốn duy trì hiệu suất chiến đấu tốt. Để giải quyết vấn đề về cơ số đạn, các kỹ sư đã lắp cho Strv 2000 vũ khí phụ gồm pháo tự động Bofors cỡ 40 mm.

Pháo Bofors 40 mm sử dụng cho nhiệm vụ phòng không cũng như tiêu diệt các mục tiêu bọc giáp nhẹ. Hai súng máy Ksp cỡ 7,62 mm (phiên bản nội địa của FN-MAG) cũng được trang bị cho xe (1 đồng trục với pháo 40 mm và 1 trên tháp chỉ huy).

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển - Ảnh 3.

Cận cảnh vũ khí của xe tăng Strv 2000 bao gồm pháo chính 140 mm, pháo tự động 40 mm, cùng 2 súng máy 7,62 mm

Thiết kế của Strv 2000 cho khả năng bảo vệ tuyệt vời, bộc lộ tín hiệu hồng ngoại thấp. Giải pháp các kỹ sư đưa ra là lắp thêm tấm giáp phụ tăng cường ốp bên ngoài giáp chính, chúng có thể dễ dàng thay thế khi hư hỏng. Phương án trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) cũng đã được đưa vào dự trù.

Động cơ của xe bố trí phía trước nhằm tạo sự bảo vệ tốt nhất cho kíp lái. Khoang chứa đạn được thiết kế riêng biệt, trong trường hợp bị nổ sẽ tự tách ra để đảm bảo an toàn cho xe và người điều khiển.

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển - Ảnh 4.

Thiết kế của Strv 2000 T140/40

Phiên bản Strv 2000 hoàn thiện nhất, chiếc T140/40 đã sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt với pháo chính 140 mm, pháo tự động Bofors 40 mm, cùng 2 súng máy Ksp 7,62 mm.

Pháo 140 mm và 40 mm đều có hệ thống nạp đạn tự động với cơ số đạn lần lượt là 29 và 148 viên. Xe mang 2 ống phóng pháo sáng Lyran 71 mm trên tháp pháo phục vụ hỗ trợ tác chiến ban đêm.

Khi lắp thêm giáp phản ứng nổ, giáp trước của T140/40 có độ dày tương đương 1.200 mm thép đồng nhất (RHA) chống đạn HEAT và 800 mm đối với đạn xuyên động năng. Trái tim của chiếc chiến xa là động cơ diesel MTU 883 V12 công suất 1.500 mã lực, tỷ suất lực đẩy/trọng lượng 28,84 mã lực/tấn. Tốc độ tối đa 70 km/h, phạm vi chiến đấu 500 km.

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển - Ảnh 5.

Strv 2000 cùng M1 Abrams và Leopard 2 trong các bài thử nghiệm đánh giá

Ngoài T140/40, nhiều phiên bản Strv 2000 khác cũng được xây dựng. Một số biến thể đáng chú ý bao gồm:

T120B: Được thiết kế với cách bố trí quy ước nhằm đơn giản trong sản xuất và vận hành. Xe mang pháo 120 mm, kíp lái 4 người, hệ thống nạp đạn tự động không được lắp đặt.

L140: Xây dựng trên khung gầm xe tăng lội nước hạng nhẹ Ikv 91 với một vài gia cố nhỏ. Nhờ dựa trên nền tảng có sẵn, phiên bản này sẽ rất dễ dàng trong chế tạo và có cả tính năng bơi, tuy nhiên đổi lại thì khả năng bảo vệ bị cắt giảm.

Trang bị pháo 140 mm với bộ phận tự nạp đạn tự động, phiên bản này giống pháo chống tăng tự hành hơn là một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT).

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển - Ảnh 6.

Phiên bản L140 trên khung gầm tăng "bơi" Ikv 91

O140/40: Phiên bản này được vũ trang tương tự T140/40 nhưng có thiết kế cách mạng với tháp pháo không người ngồi, đem lại khả năng sống sót cao cho xe và kíp lái.

Stridsvagn 2000 - Xe tăng chiến đấu chủ lực cỡ nòng lớn của Thụy Điển - Ảnh 7.

O140/40 với tháp pháo không người ngồi

Sau khi so sánh trước các đối thủ ngoại quốc, việc mua luôn một mẫu xe thiết kế bởi nước ngoài với giấy phép sản xuất trong nước được cho là phương án rẻ và tối ưu, trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu đặt ra của mẫu MBT mới. Dự án chế tạo Strv 2000 tại chỗ bị cho là quá đắt đỏ.

Năm 1991, Quân đội Thụy Điển đã quyết định mua xe tăng Leopard 2 cùng giấy phép để sản xuất trong nước dưới cái tên Strv 121. Giấc mơ về một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hoàn toàn của người Thụy Điển trở thành dang dở.

Theo CLHB (Trí Thức Trẻ)