Thế giới

"Soi" tàu tuần dương lớn nhất thế giới chỉ có hải quân Nga dám sử dụng

Những năm 1970, Liên-xô tiến hành dự án đóng tàu mà không có bất kì hải quân nước nào dám thực hiện đó là chế tạo ra các tàu tuần dương hạng nặng, với kích cỡ bằng những tàu chiến trong Thế chiến I và II. 

Những năm 1970, Liên-xô tiến hành dự án đóng tàu mà không có bất kì hải quân nước nào dám thực hiện đó là chế tạo ra các tàu tuần dương hạng nặng, với kích cỡ bằng những tàu chiến trong Thế chiến I và II. Hải quân Mỹ và các cường quốc khác đều loại bỏ các dự án này do vấn đề chi phí và lo sợ tàu có kích cỡ quá lớn khiến nó dễ dàng trở thành mục tiêu trên biển, vậy đâu là nguyên nhân khiến Liên-xô lại theo đuổi dự án đóng tàu này?

Tàu tuần dương hạng nặng lớp Kirov ban đầu được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ chống tàu ngầm, nhưng sau khi Liên-xô nhận thấy hạm đội tàu sân bay và tàu mặt nước của Mỹ đang lớn mạnh không ngừng, nhiều sự cải tiến đã được thực hiện khiến Kirov là chiến hạm đa năng.

Với việc được trang bị các tên lửa chống hạm P-700 Granit, tàu tuần dương lớp Kirov có thể đe dọa cả nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ khi nó tiến hành nhiệm vụ chống ngầm.

Với lượng giãn nước 26.000 tấn, Kirov to lớn hơn hẳn các tàu mặt nước khác của Liên-xô. Trong khi đó, hải quân Mỹ cũng chỉ có các tàu sân bay và tàu đổ bộ boong phẳng là có kích cỡ lớn hơn tàu lớp Kirov của Liên-xô.

Với khả năng chạy bằng cả năng lượng hạt nhân và động cơ hơi nước, tàu lớp Kirov có thể duy trì hoạt động trong thời gian dài trên biển, từ đó, nó còn được cho là phương tiện nhằm để Liên-xô vươn sức mạnh ra những vùng biển lớn.

Sự xuất hiện của tàu tuần dương lớp Kirov từng khiến Mỹ cân nhắc biên chế trở lại các tàu lớp Iowa với kích cỡ ngang bằng, mặc dù có cơ chế hoạt động và khả năng làm các nhiệm vụ khác hẳn nhau.

Việc Kirov đe dọa được tàu sân bay và cả tàu ngầm hạt nhân cũng khiến Mỹ phải tập trung hơn vào phát triển hệ thống cảnh báo tên lửa và phòng không.

Đáng tiếc là khi Liên-xô tan rã, chiếc tàu lớp Kirov thứ 5 buộc phải bị hủy bỏ, trong khi 3 chiếc còn lại được loại khỏi biên chế, chỉ có duy nhất chiếc thứ 4 – Peter the Great được duy trì sử dụng.

Theo nhiều chuyên gia quân sự, Nga đang sử dụng tàu Peter the Great một cách sai lệch hoàn toàn với những khả năng nó được thiết kế như thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở Somalia, tuy nhiên, việc này lại mang ý nghĩa biểu tượng là hải quân Nga vẫn có khả năng vươn sức mạnh ra mọi nơi trên thế giới.

Chỉ đến năm 2015, Nga mới quyết định đưa tàu tuần dương lớp Kirov thứ 3 được xây dựng là Đô đốc Nakhimov trở lại biên chế. Nó sẽ trải qua quá trình hiện đại hóa nhưng thực tế là gần như đóng mới lại hoàn toàn.

Nga có kế hoạch hoàn thành nâng cấp tàu Đô đốc Nakhimov vào năm 2018, thời điểm tàu Peter the Great sẽ bắt đầu được đưa vào một quá trình hiện đại hóa tương tự kéo dài trong 3 năm.

2 chiếc tàu lớp Kirov còn lại là Đô đốc Ushakov và Đô đốc Lazarev được cho là sẽ không bao giờ trở lại biên chế do một chiếc từng gây ra tại nạn vào năm 1990, trong khi chiếc còn lại đang ở trong tình trạng quá tồi tệ.

Theo Đặng Vũ (An Ninh Thủ Đô)