Thế giới

Siêu vũ khí không đối thủ từ Nga khiến "lá chắn thép" Mỹ trở nên tầm thường

Các chuyên gia đánh giá, S-500 có thể được xếp vào thế hệ các hệ thống phòng thủ vũ trụ đầu tiên, không có đối thủ trên toàn thế giới.

Siêu vũ khí không đối thủ từ Nga khiến "lá chắn thép" Mỹ trở nên tầm thường
Hệ thống THAAD khai hỏa trong đêm

Ngày 23/10, Trung tướng Viktor Gumenny - Phó tư lệnh các lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga cho biết, đơn vị này dự kiến sẽ tiếp nhận các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-500 Prometey ("Prometheus") vào năm 2020.

Được Nga bắt đầu phát triển từ năm 2011, S-500 hội tụ nhiều tính năng ưu việt và được cho là một hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao và phòng không tầm xa với khả năng phòng thủ tên lửa tiên tiến.

Theo các thông tin đã được công bố, S-500 có tầm bắn 600 km. Tổ hợp phòng thủ này có thể phát hiện và cùng lúc tấn công 10 mục tiêu đạn đạo di chuyển với vận tốc lên tới 7km/giây.

S-500 cũng có thể đánh bại các tổ hợp tác chiến tên lửa siêu thanh. Hay nói một các cụ thể, hệ thống mới của Nga sẽ trở thành một trong những hệ thống chống trả Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS) của Mỹ.

Siêu vũ khí không đối thủ từ Nga khiến "lá chắn thép" Mỹ trở nên tầm thường - 1
S-400 Triumf, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất đã được Nga đưa vào sử dụng từ năm 2007. Ảnh: Pravda

Theo tạp chí Mỹ National Interest, S-500 của Nga sẽ tương tự như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. S-500 sẽ được kết hợp cùng với S-400, S-300 VM4 (Antey-2500) và S-350 (Vityaz) thành một "mạng lưới đơn nhất" tạo ra một hệ thống phòng không tích hợp.

Các chuyên gia đánh giá, S-500 có thể được xếp vào thế hệ các hệ thống phòng thủ vũ trụ đầu tiên, không có đối thủ trên toàn thế giới.

Hiện tại, hệ thống phòng thủ của Nga đều dựa và các tổ hợp S-400. Tính đến tháng 5/2017, Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã sở hữu 19 trung đoàn S-400 (gồm 38 tiểu đoàn với 304 giàn phóng).

Thời gian gần đây, S-400 Triumph nhận được sự chú ý đặc biệt của quốc tế khi Nga đồng ý bán các hệ thống này cho Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.

Xét tới lịch sử phát triển hệ thống THAAD của Mỹ từng gặp phải rất nhiều vấn đề trong hơn 10 năm thử nghiệm. National Interest nhận định, sẽ phải mất một thời gian dài nữa Nga mới có thể thiết lập được một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Pravda, Nga đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm phong phú trong phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa và các tổ hợp hiện có của Moscow vẫn đang đứng đầu bảng. Vì vậy, Nga đâu cần phải vội vã.

Theo Trung Phạm (Soha/Trí Thức Trẻ)