Thế giới

S-400 Nga thị uy chiến trường Syria, 10 nước xếp hàng mua

Nga đã nhận được khoản tạm ứng mua hệ thống S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ, trước đó đã ký hợp đồng bán S-400 cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Nga đã nhận được khoản tạm ứng mua hệ thống S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ, trước đó đã ký hợp đồng bán S-400 cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Vừa qua, Nga đã nhận được khoản tiền đặt cọc do Thổ Nhĩ Kỳ tạm ứng để mua các hệ thống tên lửa S-400, ông Vladimir Kozhin, Trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật-quân sự thông báo với các phóng viên.

"Đúng, chúng tôi đã nhận được khoản ứng trước. Hiện thời tôi không thể nói khoản đặt cọc đó là bao nhiêu. Bên mua còn muốn chuyển các khoản tiền chính thức sớm hơn, nhưng vấn đề hiện vẫn đang được thảo luận tiếp" - ông Kozhin nhấn mạnh.

Ngày 12/9, Moscow và Ankara đã ký hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400. Các chi tiết của thỏa thuận này không được công bố do "đặc thù và và độ nhạy cảm của đề tài". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng nước này đã chuyển khoản thanh toán đầu tiên.

Việc chính quyền Ankara quan tâm tới tổ hợp tên lửa phòng không Nga là điều hiển nhiên, mỗi quốc gia nỗ lực đảm bảo an ninh đều sẽ làm như vậy. Các đại diện Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ trông đợi các tên lửa sẽ bắt đầu được cung cấp trong vòng hai năm.

Trên sóng đài Sputnik, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quân sự chính trị của Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), nhà phân tích Aleksey Podberezkin lưu ý rằng, S-400 đảm bảo sự phòng vệ trước hầu hết các phương tiện tấn công từ trên không.

Theo vị chuyên gia Nga, hiện nay, chủ quyền của quốc gia chủ yếu được xác định bởi khả năng phòng không và phòng thủ vũ trụ. S-400 chính là hệ thống đảm bảo sự phòng vệ trước hầu hết các phương tiện tấn công, thậm chí cả tên lửa đạn đạo tầm trung.

S-400 Nga thi uy chien truong Syria, 10 nuoc xep hang mua

S-400 Nga hiện được đánh giá là hệ thống phòng không số 1 thế giới

Từ khi được Nga điều sang chiến trường Syria, S-400 đã chứng tỏ nó là hệ thống phòng không rất hiệu quả, có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu từ rất xa, phạm vi bao phủ không phận rộng lớn. Trên thế giới chưa có hệ thống nào tương tự S-400.

Do đó, sở hữu S-400 sẽ đảm bảo an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ, đối phó các đối tượng khó bị tiêu diệt như máy bay chiến đấu tàng hình hay máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm, hoặc các máy bay trinh sát-tác chiến điện tử có khả năng phát hiện và tiêu diệt các loại radar.

Với tính năng độc đáo đó, S-400 đang được rất nhiều nước quan tâm. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ đã được Nga chấp thuận bán. Ngoài ra, còn có hàng chục nước đang đăng ký và xếp hàng đặt mua nhưng chưa được Moscow chấp thuận.

Theo báo cáo chính thức của Cơ quan chuyên trách của Liên bang Nga về Hợp tác kỹ thuật quân sự, sau khi S-400 được đưa sang trực chiến ở chiến trường Syria, để bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở tỉnh Latakia, cơ quan này đã nhận được khoảng 10 đăng ký đặt mua hệ thống phòng không.

Điều này cho thấy hệ thống phòng không số 1 hiện nay của Nga mặc dù chưa chính thức tham gia đánh chặn bất cứ mục tiêu nào, nhưng những tính năng vốn có của nó và những sự điều chỉnh có thể trong tương lai, sau những kinh nghiệm thực chiến ở Syria đã được các nước đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, theo ý kiến vị chuyên gia này, trước hết, Nga cần đáp ứng nhiệm vụ ưu tiên cung cấp trước các hệ thống phòng không tối tân cho lực lượng vũ trang của mình. Hệ thống S-400 đang được triển khai bảo vệ tất cả các hướng chiến lược của trên đất nước - ông  Alexey Podberezkin tuyên bố.

Theo Toàn Thắng (Đất Việt)