Thế giới

Radar tầm trung thế hệ mới "Made in Vietnam" vượt trội đến đâu?

Tại Triển lãm Thành tựu KT - XH 2015, Tập đoàn Viettel đã chính thức giới thiệu radar cảnh giới tầm trung VRS-M2D "made in Vietnam" với nhiều ưu điểm vượt trội.

Tại Triển lãm Thành tựu KT - XH 2015, Tập đoàn Viettel đã chính thức giới thiệu radar cảnh giới tầm trung VRS-M2D "made in Vietnam" với nhiều ưu điểm vượt trội.
Theo đó, Tập đoàn Viettel cùng lúc giới thiệu 2 dòng radar mới hiện đại, gồm tổ hợp đài cảnh giới tầm trung sóng mét VRS-M2D và đài bắt thấp VRS-2DM. Trong đó, đài VRS-M2D lần đầu tiên xuất hiện nhưng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách thăm quan.
 
Điều đó minh chứng Viettel từ chỗ chỉ thuần túy cung cấp dịch vụ viễn thông và một số dịch vụ giá trị gia tăng nay đã vươn lên một tầm cao mới, không những sản xuất nhiều thiết bị thông tin liên lạc cho Quân đội mà còn làm chủ công nghệ chế tạo radar phòng không.
 
Các sản phẩm radar và hệ thống Quản lý vùng trời (VQ) do Viettel nghiên cứu chế tạo và sản xuất trong nước, xứng đáng là niềm tự hào của ngành Công nghiệp quốc phòng nước nhà, góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
 
THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNGTHƯỢNG TƯỚNG TRƯƠNG QUANG KHÁNH
 
“Việc chủ động nghiên cứu chế tạo (hay nói như Viettel: người Việt Nam tự thiết kế, chế tạo cho người Việt Nam) những trang bị có tính năng kỹ thuật phù hợp không thua kém gì của nước ngoài là phương hướng rất đúng đắn, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, khả năng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cũng như tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phù hợp với chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật quân sự trong giai đoạn hiện nay.”
 
Nhìn bề ngoài, VRS-M2D khá giống với đài radar 2D sóng mét P-18 vốn được sử dụng rất phổ biến trong các đơn vị radar và tên lửa phòng không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân từ nhiều thập kỷ trước.
Tuy nhiên, đây là loại radar hoàn toàn mới được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải là bất kỳ phiên bản nâng cấp nào của dòng radar P-18. Chính vì thế, nó mới được đặt tên và định danh là "Đài cảnh giới tầm trung
sóng mét VRS-M2D".
 
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không đi sâu vào phân tích về các đặc tính kỹ thuật, mà chỉ nếu ra những điểm thú vị từ hình dáng bên ngoài của đài radar này, qua ghi nhận tại Triển lãm.
 

Tổ hợp đài VRS-M2D gồm 2 xe, đều đặt trên khung gầm dòng vận tải việt dã 3 cầu chủ động Kamaz-43118, cấu hình 6x6. Ảnh: Bình Nguyên.

 
Triển khai - thu hồi nhanh
 
Thứ nhất, thiết kế gọn, đúng chuẩn quân sự nhưng tính mỹ thuật rất cao. Tổ hợp VRS-M2D gồm 2 xe:
 
- Xe chỉ huy, điều khiển, phát tình báo, gắn thiết bị điều khiển, hiển thị điện tử dành cho kíp trắc thủ và bộ dụng cụ sửa chữa cùng phụ tùng dự trữ lắp gọn trong thùng kín bọc thép bố trí vừa vặn trên 1 xe Kamaz.
 
- Xe mang ăng ten, khối thu phát bố trí đài anten tự hành hoàn toàn do sử dụng tháp nâng bằng thủy lực và dàn anten có thể tự gập lại và xếp gọn dọc sàn xe. Có lẽ những kỹ sư của Viettel đã lĩnh hội và phát huy được cách thiết kế ưu việt từ đài radar hiện đại RV-02.
 
Điều này cho phép không những rút ngắn đáng kể thời gian triển khai và thu hồi mà còn giúp kíp trắc thủ đỡ vất vả do không phải tháo lắp, sắp xếp các thanh chấn tử bằng tay, đấu nối dây dẫn, cáp néo,...
 
Tháp anten sử dụng cơ cấu nâng hạ thủy lực tiến tiến, giúp triển khai và thu hồi nhanh chóng. Ảnh: Bình Nguyên.
 

Dàn anten có thể tự gập lại, giúp kíp trắc thủ đỡ vất vả do không phải tháo lắp, sắp xếp các thanh chấn tử bằng tay, đấu nối dây dẫn, cáp néo...

 
Thứ hai, máy nổ, các khối thiết bị và ca-bin công tác đều được thiết kế hết sức hợp lý, có hệ thống điều hòa không khí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kíp trắc thủ trong quá trình vận hành, hạn chế được tác động của khí hậu nóng, ẩm ở Việt Nam.
 
Thứ ba, đài ăn-ten sử dụng cáp quang để truyền tín hiệu giúp nâng cao tốc độ đường truyền và ổn định dữ liệu hơn so với radar P-18 nguyên bản.
 
Khả năng kháng nhiễu tốt
 
Đáng chú ý nhất, trên đài VRS-M2D có thêm 4 anten phụ, bố trí phía dưới giàn anten chính, chuyên làm nhiệm vụ thu phát kháng chế áp điện tử (ECCM). Các anten này phát xung khử phần rìa xung chính khi chuyển xung nhằm tránh bị gây nhiễu thụ động và định vị vị trí.
 

4 anten phụ được bố trí phía dưới giàn anten chính.

 
Đây là một giải pháp rất độc đáo, vốn được hãng Retia (CH Séc) phát triển và chuyển giao theo phiên bản P-18M nâng cấp cho Việt Nam. Tất nhiên, nhìn bề ngoài giống vậy, nhưng chắc chắn những kỹ sư của Viettel đã nghiên cứu rất kỹ và có những sáng tạo của riêng mình.
 
Vượt mọi địa hình
 
Toàn bộ hệ thống radar VRS-M2D của Viettel được bố trí gọn trên khung gầm 2 xe vận tải Kamaz-43118 ba cầu chủ động (cấu hình 6x6), trọng tải 11,4 tấn, kéo tối đa khoảng 12,0 tấn, được nhập khẩu nguyên chiếc (khung gầm) từ Nga.
 

Xe vận tải việt dã 3 cầu chủ động Kamaz có khả năng vượt mọi địa hình.

 
Xe có thể lựa chọn 1 trong 2 phiên bản động cơ diesel tăng áp tiêu chuẩn khí thải châu Âu Euro-2 gồm: KAMAZ-740.30-260, công suất đỉnh 260 mã lực hoặc Kamaz-740.55-300, cho công suất đỉnh 300 mã lực tạo sức mạnh vượt trội để băng qua mọi nẻo đường.
 
Cả 2 dòng động cơ trên đều giữ trọn vẹn ưu thế vượt trội của các động cơ xe quân sự Nga là mô-men xoắn cao ở vòng tua máy thấp, điều mà động cơ của các loại xe phương Tây đến nay vẫn chưa thể sánh bằng.
 
Hệ thống bơm và điều chỉnh áp suất lốp tự động cho phép xe vận hành tốt trên mọi loại địa hình, dễ dàng vượt các chướng ngại như ngầm qua sông, suối có độ sâu tới 1,75 m, vượt hào (mương, rãnh) rộng đến 1,4 m, vượt tường cao tới 0,6 m.
 
Có thể thấy đài P-18 do Viettel nâng cấp mang dáng dấp của một tổ hợp radar khá hiện đại, có khả năng triển khai/thu hồi nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu của tác chiến phòng không hiện đại.
 
Xin chúc mừng và hy vọng tới đây Viettel sẽ còn cho ra đời nhiều loại radar thế hệ mới ưu việt hơn.
 
Theo Bình Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)