Thế giới

Những tàu ngầm nhanh nhất thế giới: Không ai vượt qua Xô-Mỹ

Các tàu ngầm hạt nhân chạy nhanh nhất thế giới từ trước đến nay đều là các tàu ngầm của Mỹ và Liên Xô.

Đối với tàu ngầm hạt nhân, tốc độ hành trình dưới đấy biển là một trong những đặc tính quan trọng nhất. Tốc độ không chỉ cho phép con tàu bám sát hiệu quả và đạt mục tiêu và trong những trường hợp cần thiết, giúp nó thoát khỏi tầm ngắm của tàu ngầm đối phương.

Hãng thông tấn Nga Sputnik đã chọn lọc ra những tàu ngầm hạt nhân nhanh nhất thế giới, trong đó, chỉ bao gồm tàu ngầm của Nga và Mỹ.

Tàu ngầm lớp "Los Angeles" (Hoa Kỳ)

Kể từ khi xuất hiện trong trang bị của Hải quân Hoa Kỳ, các tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng (mang tên lửa hành trình) lớp "Los Angeles" trở thành vấn đề không nhỏ đối với hạm đội Hải quân Liên Xô, bởi chúng không chỉ có độ ồn thấp, mà tốc độ cũng rất cao.

Hiếm có tàu ngầm mang tên lửa nào của Liên Xô khi tham gia trực chiến lại không bị "Los Angeles" phát hiện dù chỉ một lần.

Để bứt khỏi tầm theo dõi của các tàu ngầm lớp "Los Angeles" cũng không dễ dàng, bởi tốc độ tối đa của chúng có thể đạt 35 hải lý (64,8 km/h). Trong khi đó, trong số các tàu ngầm tên lửa hạt nhân cùng loại của Liên Xô, tàu có tốc độ cao nhất là tàu ngầm dự án 667A "Kalmar" chỉ có thể tăng vận tốc lên đến 28 hải lý (51,8 km/h).

Tuy nhiên, không nên quên rằng hai lớp tàu ngầm này có mục đích khác nhau và trọng tải choán nước khác biệt đáng kể: Tàu ngầm "Los Angeles" của Mỹ là 7.000 tấn; còn "Kalmar" là 13.000 tấn.

Dự án "Barracuda" (Liên Xô)

Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên dự án 945 "Barracuda" (“Sierra-One” theo phân loại của NATO) với trọng tải choán nước 9.600 tấn được Hải quân Liên Xô tiếp nhận vào năm 1984.

Nhiệm vụ chính của các tàu ngầm này là theo dõi các tàu ngầm chiến lược và các cụm tàu sân bay tấn công của đối phương, tiêu diệt chúng trong trường hợp xảy ra xung đột.

Để "Barracuda" luôn có thể kiềm chế cụm hàng không mẫu hạm NATO trong tầm kiểm soát, các nhà thiết kế đảm bảo cho tàu tốc độ di chuyển cao tối đa là 35,15 hải lý (65,1 km/h).

Đến lớp tàu kế tiếp, được nâng cấp, cải tiến từ lớp "Barracuda" là dự án 945A "Condor" (theo phân loại của NATO là “Sierra-Two”), tốc độ của chúng thấp hơn một chút nhưng trọng tải choán nước lớn hơn 800 tấn so với "Barracuda".

Tàu ngầm lớp "Seawolf" (Hoa Kỳ)

Các tàu ngầm nguyên tử đa năng "Seawolf" ("Sói Biển") của Mỹ trở thành một trong những con tàu đắt tiền nhất trong lịch sử hạm đội tàu ngầm nước này. Ba tàu ngầm "Seawolf", mỗi chiếc tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ 3 tỷ dollars.

Mức giá cao ngất trời đã khiến Lầu Năm Góc ngừng tiếp tục dự án và chuyển sang trang bị các tàu "Virginia" đa năng kém hiện đại hơn.

Những tàu ngầm nhanh nhất thế giới: Không ai vượt qua Xô-Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân là loại vũ khí lợi hại nhất trong lực lượng hải quân của mọi quốc gia

Thế nhưng, mức giá trên trời này cũng giúp tàu ngầm "SeaWolf" sở hữu một tính năng mà khó có tàu ngầm nào sánh được. SeaWolf đã trở thành tàu ngầm chạy nhanh nhất của Mỹ và cũng như trên thế giới. Tốc độ thử nghiệm lớn nhất mà tàu đạt được là 38 hải lý (70,3 km/h).

Dự án "Lira" (Liên Xô)

Một trong những dự án thú vị nhất về tàu ngầm Liên Xô là tàu ngầm ngư lôi Project 705 lớp "Lira" (theo phân loại của NATO là "Alpha") có biệt danh trong hạm đội là "cỗ máy tự động".

Sở dĩ các tàu Project 705 được đặt cho biệt danh này là nhờ tàu sử dụng nhiều hệ thống điều khiển tự động hóa cao nên thủy thủ đoàn của tàu lớp "Lira" được giảm xuống còn 31 người.

Trọng tải choán nước của "Lira" khá khiêm tốn đối với các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân là 3.180 tấn, thế nhưng, đây cũng chính là lợi thế lớn nhất của nó, bởi với động cơ hạt nhân mạnh mẽ, "Lira" có thể tăng tốc lên đến 41 hải lý mỗi giờ (tương đương 75,9 km/h).

Dự án "Anchar" (Liên Xô)

Nhà vô địch thế giới tuyệt đối về tốc độ dưới nước là tàu ngầm dự án 661 "Anchar" (Con cá vàng) của Liên Xô (tức tàu ngầm lớp "Papa", theo theo phân loại NATO). Tàu có lượng giãn nước 7.000 tấn, trang bị các tên lửa hành trình chống hạm có uy lực rất lớn.

Trong thời gian chạy thử nghiệm vào ngày 18 tháng 12 năm 1970, thủy thủ đoàn trên chiếc tàu ngầm đầu tiên được chế tạo đã "nung lò" cho tàu ngầm chạy đạt tới tốc độ 44,7 hải lý (82,8 km/h) - một kỷ lục mà từ trước đến nay chưa có bất cứ tàu ngầm nào có thể chạm tới.

Tuy nhiên, để trả giá cho việc “chưa tàu ngầm nào vượt được chỉ số vận tốc này”, tàu đã phát ra một độ ồn quá lớn. Khi chạy với vận tốc trên 35 hải lý, độ ồn ở trung tâm tàu lên tới 100 decibel. Đó là chưa nói tới tiếng ồn mà "Anchar" tạo ra xung quanh mình! Do đó, con tàu đã mất đi tính năng chiến thuật quan trọng nhất của tàu ngầm là độ tàng hình.

Một nhược điểm khác của con tàu là việc các lớp vỏ bằng vật liệu titan đã đẩy giá thành sản xuất lên cao ngất ngưởng. Kết quả, hải quân Liên Xô buộc phải thừa nhận việc đóng các tàu ngầm lớp "Anchar" là không phù hợp. Năm 1984, nó đã ngừng phục vụ trong lực lượng Hải quân.

Theo Nhật Nam (Đất Việt)