Thế giới

Những bí mật của đội tàu hộ vệ thuộc Hải quân Nga

Thủy thủ Nga đã làm quen với các tàu hộ vệ từ những năm tháng Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Dù có kích cỡ tương đối nhỏ nhưng những tàu hộ vệ này đã trở thành đơn vị chiến đấu chủ chốt, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Sự xuất hiện của loại tàu này chủ yếu là do nhu cầu cấp thiết của Hải quân Nga lúc bấy giờ. Trong những năm sau chiến tranh, lớp tàu này được nhận được sự phát triển mới.

“Người bảo vệ” trên biển

Các tàu khu trục cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và chống lại lực lượng hải quân nhỏ của đối phương. Tuy nhiên, Hải quân Nga không có nhiều tàu khu trục; mặt khác, nếu đóng các con tàu mới lại tốn khá nhiều chi phí. Trong khi đó, đóng tàu hộ vệ lại rẻ gấp 2 lần. Trong thời kỳ trước chiến tranh và trong Chiến tranh Vệ quốc, các tàu hộ vệ chiếm số đông trong hạm đội Hải quân Nga.

Do phần lớn các chương trình đóng tàu đều bị “đóng băng”, trong những năm 1990, Hải quân Nga ngừng tiếp nhận không chỉ các tàu tuần dương mang tên lửa, tàu khu trục và tàu ngầm tên lửa chiến lược, mà còn cả các tàu hạng 2 và 3 như: Tàu tuần tra, tàu chống ngầm cỡ nhỏ, tàu quét mìn. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi việc gìn giữ và phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển được coi là ưu tiên hàng đầu của Hải quân. Kết quả là vào đầu năm 2008, trong thành phần Hải quân Nga chỉ có 6 tàu hộ vệ, bằng số lượng tàu tuần dương mang tên lửa và ít hơn 2,5 lần so với tàu ngầm mang tên lửa chiến lược. Các Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Phương Bắc không có tàu hộ vệ nào dù cho tàu hộ vệ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cho tàu ngầm mang tên lửa triển khai và ổn định chiến đấu ở khu vực ven biển. Đồng thời, 6 tàu hộ vệ này có “tuổi đời” trung bình là 28 năm; do đó Hạm đội cần được trang bị một loạt tàu mới.

Sự xuất hiện của Steregushchy

Ngày nay, các con tàu của Đề án 20380 đã thay thế các tàu chiến đã “lỗi thời”. Tàu hộ vệ Steregushchy được Phòng Thiết kế Hàng hải Trung ương Almaz phát triển trong giai đoạn cuối những năm 1990 đến những năm 2000. Trước đó, Cục Thiết kế Almaz chỉ chuyên phát triển tàu mang tên lửa nhỏ, tàu đổ bộ và một số loại các tàu khác. Tuy nhiên, đến năm 2000, Phòng Thiết kế Almaz đã công bố 8 phương án thiết kế đồ họa Đề án 20380 (mã thiết kế "Korvet-1"). Một phương án trong số đó đã được khách hàng chấp thuận vào năm 2001. Tổng công trình sư là Alexander Shlyakhtenko, nhà thiết kế chính là Igor Ivanov. Lễ khởi đóng tàu hộ vệ Steregushchy được tổ chức vào ngày 21-12-2001 tại Nhà máy đóng tàu Severnaya Verf ở St. Petersburg. Ngày 16-5-2006, tàu hộ vệ Steregushchy được hạ thủy.

Những bí mật của đội tàu hộ vệ thuộc Hải quân Nga
Tàu hộ vệ Steregushchy. Nguồn: TASS 

Sau khi hoàn tất thành công các đợt thử nghiệm cấp nhà nước, ngày 28-2-2008, con tàu đầu tiên trong loạt tàu hộ vệ đa nhiệm thuộc Đề án 20380 Steregushchy đã gia nhập Hải quân Nga. Con tàu này được đặt tên theo tàu phóng ngư lôi Steregushchy, đã “hy sinh” anh dũng trong trận chiến không cân sức với lực lượng Nhật Bản vào ngày 26-2-1904. Nhóm kỹ sư, nhà thiết kế và nhân viên đóng tàu đã được trao giải thưởng của chính phủ Liên bang Nga trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vào năm 2011 vì việc chế tạo và phát triển tàu hộ vệ Đề án 20380.

Các tàu hộ vệ Đề án 20380/20385 cùng các tàu tên lửa nhỏ của Đề án 21631 (Buyan-M) là loạt tàu nổi được chuyển giao nhiều nhất cho Hải quân Nga sau năm 1991 (mỗi loại năm chiếc).

Trong quá trình phục vụ Hải quân, tàu hộ vệ hiện đại thuộc Hạm đội Baltic đã đi được 100.000 hải lý, nhiều lần tham gia Triển lãm Hải quân Quốc tế và các cuộc tập trận chung, trong đó có tập trận Nga-Trung Quốc “Liên hợp trên biển-2017” được tổ chức lần đầu tiên ở Biển Baltic vào năm ngoái. Hiện nay, có 5 tàu ​​hộ vệ thuộc Đề án 20380 đang phục vụ trong Hải quân, còn 5 chiếc tàu nữa đang được đóng. Theo mục đích, các tàu hộ vệ lớp Steregushchy thường hoạt động ở vùng biển gần bờ, nhưng về trang bị vũ khí và khả năng đi lại, chúng có thể di chuyển ở tất cả các đại dương.

Thế mạnh của đội tàu hộ vệ

Tàu hộ vệ lớp Steregushchy Đề án 20380 được trang bị tổ hợp tên lửa chống tàu Uran để tiêu diệt các mục tiêu trên biển và tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Kortik cùng tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Igla.

Những bí mật của đội tàu hộ vệ thuộc Hải quân Nga - 1
Lễ hạ thủy tàu hộ vệ Steregushchy vào năm 2006. Nguồn: TASS

Ở Đề án cải tiến 20385, thiết kế cơ bản của tàu được tăng cường thêm vũ khí chống tàu và tổ hợp tên lửa phòng không. Hai bệ phóng gồm 4 ống phóng của tổ hợp tên lửa Uran đã được thay bằng tổ hợp tàu 8 ống phóng dành cho tên lửa Kalibr và Onyk. Bên cạnh đó, tổ hợp tên lửa phòng không Redut cũng được tăng cường thêm đạn. Ngoài ra, các tàu hộ tống này còn được trang bị hai tổ hợp pháo AK-630M cỡ nòng 30mm, pháo A-190 cỡ 100mm, hai súng máy 14,5mm và hai súng phóng lựu DP-64. Đối với nhiệm vụ chống tàu ngầm và chống ngư lôi, tàu được trang bị 2 ống phóng ngư lôi Paket cỡ 330 mm.

Loạt tàu tiếp theo thuộc Đề án 20386 là một đề án tàu hộ vệ thế hệ mới với trang bị module, cấu trúc thượng tầng làm bằng vật liệu composite, giảm khả năng bị phát hiện bởi radar đối phương so với những “người tiền nhiệm” cùng với lượng giãn nước lớn (3.400 tấn), khả năng di chuyển (9.260km).

Chờ đón “người mới” Derzky

Trong khuôn khổ chương trình vũ khí nhà nước đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng với Nhà máy đóng tàu Severnaya Verf về việc đóng 9 chiếc tàu Đề án nâng cấp 20385. Tháng 5-2015, đại diện của Nhà máy thông báo, do có vấn đề về linh kiện nhập khẩu nên chỉ đóng được 2 chiếc tàu Đề án 20385 (Gremyashchy và Agile), các tàu còn lại sẽ được chế tạo dựa theo Đề án 20380 nâng cấp.

Mùa hè năm 2017, Cục trưởng Cục đóng tàu của Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Vladimir Tryapichnikov thông báo, sẽ có 4 tàu Đề án 20385 được đóng. Tàu hộ vệ Gremyashchy sẽ được chuyển cho Hải quân trước cuối năm nay, còn tàu Agile dự kiến sẽ được hạ thủy trong năm nay.

Ngoài ra, còn có một tàu hộ vệ Derzky thuộc Đề án 20386, đã được khởi đóng vào năm 2016. Dự kiến, tàu hộ vệ Derzky sẽ được chuyển giao Hải quân Nga vào năm 2021. So với Đề án 20380, tàu hộ vệ Đề án 20386 được tăng cường khả năng di chuyển và “tồn tại” trên biển. Nguyên tắc module là điểm cơ bản của Đề án 20386 do Phòng Thiết kế Trung ương Almaz phát triển. Điều này cho thấy tàu hộ vệ sẽ có thể mang vũ khí được lắp đặt tạm thời, cho phép mở rộng phạm vi nhiệm vụ chiến đấu. Các tàu này có thể được trang bị tổ hợp tên lửa Kalibr. Tàu hộ vệ sẽ có tầm di chuyển là 5.000 hải lý, phi hành đoàn sẽ gồm 80 người.

Theo Phó tư lệnh Hải quân về vũ khí, Phó đô đốc Viktor Bursuk, Hạm đội Hải quân Nga ​​sẽ nhận 3 tàu hộ vệ mới nhất của Đề án 20386 trước năm 2025. Trước đó, ông cho biết, Hải quân dự kiến ​​sẽ nhận được hơn 10 tàu hộ vệ của Đề án 20386 và kế hoạch đóng loạt tàu này được đưa vào chương trình đóng tàu cho đến năm 2050.

Theo Thùy Linh (Quân Đội Nhân Dân Online)