Thế giới

Nhận diện loại tên lửa thứ hai được sử dụng trong đợt bắn đạn thật của Hải quân Việt Nam

Ngoài tên lửa P-35B Shaddock thuộc hệ thống 4K44 Redut-M, Hải quân Việt Nam còn bắn kiểm tra một loại đạn đối hải khác trong cuộc diễn tập vừa qua.

Ngoài tên lửa P-35B Shaddock thuộc hệ thống 4K44 Redut-M, Hải quân Việt Nam còn bắn kiểm tra một loại đạn đối hải khác trong cuộc diễn tập vừa qua.

Tuy nhiên sau đó Kênh Truyền hình Quốc phòng đã phát sóng phiên bản đầy đủ hơn của phóng sự trên, trong đó còn có sự xuất hiện của một hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển khác, đó là 4K51 Rubezh.

Nhận diện loại tên lửa thứ hai được sử dụng trong đợt bắn đạn thật của Hải quân Việt Nam - Ảnh 1.

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp 4K51 Rubezh tại tuyến bắn. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Bức ảnh trên cho thấy có 2 xe mang phóng tự hành trang bị radar dẫn bắn (TELAR) loại 3P51 (cải tiến dựa trên xe vận tải hạng nặng MAZ-543) của hệ thống Rubezh, sử dụng để đặt radar điều khiển hỏa lực MR-331 Rangout (hoặc 3Ts-25 Garpun) cùng cụm ống phóng KT-161 mang 2 tên lửa hành trình đối hạm P-15M Termit.

Cụm KT-161 trong trạng thái hành quân thì cửa ống phóng quay về phía sau, khi chiến đấu thì quay một góc nghiêng 110 độ về hướng bắn và đưa vào góc nâng phóng đạn 20 độ rồi khai hỏa.

Nhận diện loại tên lửa thứ hai được sử dụng trong đợt bắn đạn thật của Hải quân Việt Nam - Ảnh 2.

Tên lửa P-15M Termit thuộc tổ hợp 4K51 Rubezh rời bệ phóng. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Khi nhận lệnh phóng, động cơ khởi tốc sẽ đẩy P-15M rời bệ, đạt tới độ cao ổn định thì tách khỏi thân rồi động cơ chính được kích hoạt để đưa tên lửa tới mục tiêu. Trong hành trình bay, tên lửa được điều khiển bằng hệ dẫn đường quán tính trong pha giữa và pha cuối dùng radar chủ động.

P-15M có ưu điểm là mang theo đầu đạn bán xuyên giáp trọng lượng nửa tấn, đủ khả năng đánh chìm khu trục hạm hạng nặng chỉ với một phát bắn duy nhất.

Tuy nhiên loại đạn này cũng có nhược điểm là tầm bắn ngắn, tốc độ chậm và độ cao hành trình lớn, dễ bị gây nhiễu bởi phương tiện đối kháng điện tử của đối phương, vì vậy nó thích hợp hơn khi tấn công tàu đổ bộ hay tàu vận tải có khả năng tự vệ kém.

4K51 Rubezh cùng với 4K44 Redut-M và K-300P Bastion-P tạo thành 3 lớp lá chắn phòng thủ bờ biển quan trọng của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Bộ Quốc phòng kiểm tra toàn diện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Hải quân

Theo Sao Đỏ (Thời Đại)