Thế giới

Nhận diện đòn phủ đầu Triều Tiên của quân đội Mỹ

Chiến dịch đánh phủ đầu Triều Tiên của Mỹ sẽ chia làm 4 giai đoạn, nhưng nó gần như không có cơ hội thực hiện trên thực tế.

Chiến dịch đánh phủ đầu Triều Tiên của Mỹ sẽ chia làm 4 giai đoạn, nhưng nó gần như không có cơ hội thực hiện trên thực tế.

Oanh tạc cơ chiến lược B-2 của không quân Mỹ. Ảnh: Aviationist.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố sẽ không tiếp tục đối thoại với Triều Tiên sau khi nước này phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản, đồng thời khẳng định "mọi phương án đang nằm trên bàn". Tuyên bố này của Trump làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ sử dụng biện pháp quân sự nhằm tung đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên. 

Tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ hôm 17/8 cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu xây dựng các phương án quân sự để đối phó với Triều Tiên. Giới chuyên gia quân sự cho rằng nếu Washington quyết định tung đòn tấn công phủ đầu nhằm vào Bình Nhưỡng, họ sẽ thực hiện nó bằng một chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn, theo Aviationist.

Chuyên gia quân sự David Cenciotti cho rằng oanh tạc cơ B-1B Lancer sẽ không tham gia giai đoạn đầu của cuộc chiến, dù Mỹ thường xuyên sử dụng chúng trong vai trò phô diễn sức mạnh và răn đe Triều Tiên. Nếu Washington ra đòn tấn công phủ đầu theo cách thông thường, họ sẽ bắt đầu bằng tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến hoặc tàu ngầm, trước khi tung ra tiêm kích và máy bay ném bom chiến lược.

Ông Cenciotti nhận định chiến dịch tấn công Triều Tiên của Mỹ nếu nổ ra sẽ gồm 4 giai đoạn: Xây dựng và thu thập thông tin tình báo, tấn công chế áp bằng tên lửa hành trình, triển khai oanh tạc cơ chiến lược, tung tiêm kích để loại bỏ pháo binh và tên lửa Triều Tiên.

Giai đoạn đầu sẽ được Mỹ tiến hành bằng việc triển khai khí tài thu thập thông tin tình báo mục tiêu. Vệ tinh và máy bay do thám của Washington đã giám sát Bình Nhưỡng suốt nhiều tháng nay. Nếu Mỹ quyết định tấn công, hoạt động tình báo sẽ được tiến hành khẩn trương để hỗ trợ nhận dạng mục tiêu, đặc biệt là các xe vận chuyển kiêm bệ phóng tên lửa đạn đạo (TEL).

nhan-dien-don-phu-dau-trieu-tien-cua-quan-doi-my-1

Tàu ngầm mang tên lửa Tomahawk có thể chế áp lưới phòng không Triều Tiên. Ảnh: USNI.

Trong giai đoạn hai, các tàu chiến của Hạm đội 7 sẽ tham chiến. Mỗi chiếc tàu khu trục lớp Arleigh Burke có thể mang 90-96 tên lửa hành trình Tomahawk để tạo hỏa lực áp đảo nhằm chế áp, vô hiệu hóa các lực lượng phòng không của Triều Tiên. Hạm đội tàu ngầm tấn công mang tên lửa Tomahawk, với cơ số đạn từ 12 đến 154 quả mỗi tàu, cũng có thể tham gia chiến dịch oanh kích quy mô lớn này.

Sau khi lưới phòng không của Triều Tiên về cơ bản đã bị vô hiệu hóa bằng tên lửa Tomahawk, chiến dịch tấn công sẽ bước vào giai đoạn ba với sự tham gia của các oanh tạc cơ chiến lược cất cánh từ Mỹ hoặc đảo Guam để tấn công các mục tiêu cố định như các hầm ngầm và lô cốt kiên cố. Lực lượng này gồm máy bay tàng hình B-2 Spirit trang bị bom xuyên GBU-57 cùng các biên đội B-1B Lancer và B-52.

Trong giai đoạn cuối, Washington sẽ triển khai tiêm kích chiến thuật từ căn cứ mặt đất hoặc tàu sân bay để tìm kiếm bệ phóng tên lửa di động và pháo binh, nhằm ngăn chặn đòn trả đũa của Bình Nhưỡng. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi các mục tiêu này có thể được giấu kín hoặc phân tán. Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng các chiến hạm trang bị lá chắn Aegis sẽ đảm nhận nhiệm vụ phá hủy tên lửa Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc.

Để đánh giá chiến trường sau đòn tấn công phủ đầu, máy bay không người lái tầm cao RQ-4 Global Hawk và trinh sát cơ U-2 sẽ được huy động.

nhan-dien-don-phu-dau-trieu-tien-cua-quan-doi-my-2

Các tiêm kích chiến thuật có vai trò tìm diệt các bệ phóng tên lửa di động. Ảnh: Không quân Mỹ.

Ngoài ra, máy bay E-6 Mercury của hải quân Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch không kích Triều Tiên. Đây là khí tài cho phép quân đội Mỹ liên lạc trên mọi tần số vô tuyến. Nó giúp truyền mệnh lệnh cho hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân, cũng như dự phòng cho máy bay E-4B để làm sở chỉ huy trên không, hỗ trợ điều phối các khí tài tiền phương.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bất cứ kế hoạch tấn công quân sự nào vào Triều Tiên cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, đặc biệt là khả năng Triều Tiên tấn công trả đũa và hủy diệt thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Không một chiến lược gia quân sự Mỹ nào dám đảm bảo đòn phủ đầu của họ sẽ vô hiệu hóa được toàn bộ hệ thống pháo binh và tên lửa hùng hậu của Triều Tiên.

Bởi vậy, giới quan sát cho rằng những kế hoạch tấn công phủ đầu như vậy sẽ chỉ nằm trên bàn của các tướng lĩnh quân sự Mỹ và gần như không có cơ hội thực hiện trên thực tế. Justin Bronk, chuyên gia về công nghệ và sức mạnh không quân tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định rằng Mỹ ngày càng có ít lựa chọn với Triều Tiên, nhưng tấn công quân sự sẽ không bao giờ là một lựa chọn đúng.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)