Thế giới

Nga xây dựng hệ thống "sát thủ săn ngầm dưới đáy biển"

Truyền thông Nga cho biết, song song với việc trang bị các thiết bị săn ngầm trên mặt nước, quân đội nước này bắt đầu triển khai kế hoạch chống tàu ngầm từ dưới đáy biển.

Truyền thông Nga cho biết, song song với việc trang bị các thiết bị săn ngầm trên mặt nước, quân đội nước này bắt đầu triển khai kế hoạch chống tàu ngầm từ dưới đáy biển.

Tờ Izvestia dẫn nguồn từ đại diện của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được khi phát triển các hệ thống cảnh báo tàu ngầm từ xa là nó phải đủ khả năng phát hiện tàu mặt nước và tàu ngầm đối phương từ khoảng cách vài trăm km.

Theo các chuyên gia Nga, hệ thống cảm biến dưới đáy biển có những ưu điểm vượt trội so với các hệ thống giám sát tàu ngầm khác như: Có thể giám sát liên tục 24/24h, không phải thay thế trang, thiết bị và con người; tốc độ nhận biết và truyền tải thông tin sát với thời gian thực; khả năng xử lý thông tin rất nhanh, theo quy trình tự động, tránh được những sai sót do chủ quan gây ra…

Do đó, các hệ thống cảm biến âm thanh dưới đáy biển được mệnh danh là “nỗi khiếp sợ của tàu ngầm dưới đáy biển” hay “sát thủ săn ngầm dưới đáy biển”.

Vị đại diện của Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, yêu cầu nhiệm vụ đối với các kỹ thuật viên quân sự nước này là khá phức tạp. Họ cần phải tạo ra ba hệ thống con cấu thành nằm dưới đáy biển, trên không và trên mặt đất, được tích hợp và kết nối thành một hệ thống phát hiện tàu ngầm lớn.

Bộ phận cấu thành trên biển là các phao sonar và các cảm biến dưới đáy biển, có nhiệm vụ cảm nhận, chiếu chụp và truyền tải dữ liệu đến bộ phận cấu thành thứ 2 là trung tâm trung chuyển thông tin, tức là các vệ tinh trên không gian.

Trên đất liền là một hệ thống quản lý và xử lý thông tin tự động, nó sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu mẫu đối với các thông tin nhận được và đưa ra kết luận về đối tượng, sau đó cung cấp cho người sử dụng (lực lượng tác chiến chống tàu ngầm).

Do đây là một kế hoạch tuyệt mật nên nguồn tin từ chối tiết lộ chính xác thời gian mà hệ thống sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động và địa điểm cụ thể được triển khai trong tương lai.

Hệ thống cảm biến dưới đáy biển có nhiều ưu điểm hơn so với các hệ thống săn ngầm khác

Được biết, trước đây Hải quân Liên Xô cũng từng có những thiết bị dạng này, được rải xuống đáy các khu vực biển gần nước mình để ngăn chặn khả năng bị tàu ngầm Mỹ xâm nhập.

Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, không rõ là chương trình này có còn được duy trì hay không. Nhưng dù sao, với việc được kế thừa nền tảng hệ thống của Liên Xô, việc xây dựng một hệ thống tương tự cũng là điều không quá khó đối với trình độ công nghệ hiện có của hải quân Nga.

Về phần Mỹ, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hải quân nước này cũng đã từng triển khai rộng khắp một mạng lưới các thiết bị cảm biến dưới nước, thuộc “hệ thống giám sát âm thanh” để chuyên theo dõi các tàu ngầm Liên Xô ở khắp các đại dương trên thế giới.

Hiện nay, tuy số lượng các thiết bị cảm biến của Mỹ đã giảm xuống nhưng hệ thống tại Thái Bình Dương vẫn còn tương đối hoàn chỉnh. Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực phát triển công nghệ theo dõi, giám sát mới, chuyên sử dụng để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc.

Về phần Trung Quốc, đầu năm 2015 vừa qua, nước này đã công khai tiết lộ về bản “Kế hoạch 861” nhằm xây dựng một hệ thống cảm biến dưới đáy biển và đã triển khai một phần ở khu vực Thái Bình Dương, để theo dõi các tàu ngầm hạt nhân Mỹ ở căn cứ Guam và quần đảo Hawai.

Ngoài ra, truyền thông nước này còn tiết lộ là hải quân Trung Quốc cũng đang triển khai việc xây dựng hệ thống cảm biến dưới đáy biển Hoa Đông để theo dõi lực lượng tàu ngầm rất mạnh của Mỹ và Nhật Bản.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng thiết lập hệ thống tương tự trên Biển Đông - hiện đang trở thành “đấu trường” khốc liệt của rất nhiều loại tàu ngầm hiện đại trên thế giới, đồng thời là một điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Nguyễn Ngọc (An Ninh Thủ Đô)