Thế giới

Nga phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược mới

Mới đây, Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) đã đề cập tới thành công của Nga trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới được đánh giá như “khắc tinh” của vệ tinh phương Tây.

Mới đây, Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) đã đề cập tới thành công của Nga trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới được đánh giá như “khắc tinh” của vệ tinh phương Tây.

Bộ Quốc phòng Nga gần đây khẳng định đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa đánh chặn của tổ hợp phòng thủ tên lửa Nudol, mật danh của tổ hợp A-235, tại Sân bay vũ trụ Plesetsk. Theo National Interest, hệ thống này do Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey chế tạo, có khả năng bao quát tới 2.000km và đạt độ cao tới 40km. Trong khi nhiều nguồn tin khác cho rằng tổ hợp này có khả năng bao quát tới 3.700km. Tầm bao quát của Nudol còn được mở rộng thêm nhờ các trạm ra-đa cảnh báo sớm được lắp đặt trên khắp nước Nga.

Nudol có khả năng đánh chặn tên lửa ở 3 cấp độ khác nhau với 3 loại đạn đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhằm nâng cao khả năng tiêu diệt tên lửa liên lục địa của đối phương. Dù thông tin về loại vũ khí này vẫn còn được Nga giữ bí mật, nhưng theo các nguồn tin công khai, tổ hợp Nudol được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M để xử lý thông tin.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Army-technology.

Ưu điểm nổi bật của Nudol chính là có chu kỳ bay khó nắm bắt. Khi bắn lên một độ cao nhất định, các tên lửa con sẽ tự động tách khỏi tên lửa đẩy và tự động thay đổi quỹ đạo để tiếp cận mục tiêu với vận tốc siêu nhanh. Việc ngăn chặn các đầu đạn con này là bất khả thi vì chúng có quỹ đạo bay rất phức tạp, không tuân theo một quy tắc nào. Hiện Nga được cho là quốc gia duy nhất đang sở hữu công nghệ ưu việt này.

Đáng chú ý là Nga đã có kế hoạch triển khai tích hợp tổ hợp tên lửa Nudol thành hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa hợp nhất của các quốc gia. Theo đó, một “trung khu phòng thủ” sẽ được thiết lập cho phép các hệ thống phòng không đơn lẻ của mỗi nước trong khu vực có thể liên kết và trao đổi thông tin với nhau để nâng cao hiệu quả tác chiến.

Chuyên gia quân sự Bin Ghớt (Bill Gertz) thuộc Oa-sinh-tơn Free Beacon (Mỹ) đánh giá, Nudol là dòng vũ khí được thiết kế để bắn hạ mọi mục tiêu trong các tầng quỹ đạo Trái Đất của Nga, bao gồm vệ tinh và tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.

Nga tiến hành vụ thử tên lửa trong tổ hợp Nudol trong bối cảnh Mỹ vừa triển khai các thành phần thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ru-ma-ni và Ba Lan. Vì vậy giới phân tích cho rằng đây chính là “lời đáp trả” của Mát-xcơ-va.

Tổng thống Nga V.Pu-tin tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua mới đây tuy không nhắc trực tiếp tới tổ hợp Nudol nhưng phát biểu của ông đã nhấn mạnh tới thành công của Nga trong nỗ lực xây dựng hệ thống quốc phòng chiến lược. Ông nói: “Tôi đảm bảo với toàn thể nhân dân ngày hôm nay, Nga đã đạt được thành công đáng kể trên con đường này. Chúng ta đổi mới công nghệ và phát triển thành công máy bay và xe tăng chiến đấu thế hệ mới. Tôi thậm chí còn chưa nhắc đến hệ thống phòng thủ tên lửa”.

Cho đến nay, Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra bình luận nào về lần phóng thử nghiệm tên lửa Nudol của Nga. Trước đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Vũ trụ thuộc Không quân Mỹ, ông Giôn Hai-ten (John Hyten) đã cảnh báo một số quốc gia, bao gồm Nga, đang tăng cường tiềm lực quốc phòng, đe dọa các vệ tinh của Mỹ.

Tiền thân của tổ hợp Nudol hiện nay chính là tổ hợp A-135 để bảo vệ thủ đô Mát-xcơ-va theo một Hiệp ước mà Nga và Mỹ cùng tham gia. Năm 1972, Nga và Mỹ đã cùng ký vào Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo. Theo đó, hai nước phát triển và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ thủ đô Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn với không quá 100 đạn tên lửa đặt trên bệ phóng cố định. Sau khi Liên Xô tan rã, Bộ Quốc phòng Nga dựa trên nền tảng công nghệ tổ hợp A-135 đã phát triển tổ hợp phòng thủ tên lửa mới Nudol. Nhưng phải tới năm 2009, Nga mới tiết lộ thông tin đã hoàn thành việc phát triển và nâng cấp hệ thống ra-đa cảnh giới và hệ thống dẫn bắn, hai bộ phận được coi là “trái tim” của tổ hợp Nudol. Và cho đến nay, Nga cũng chưa có ý định tiết lộ thêm về loại vũ khí chiến lược này.

Với vụ phóng thử thành công mới, khả năng tổ hợp Nudol sẽ sớm được biên chế cùng với các tổ hợp phòng không khác của Nga như S-300, S-400 nhằm giúp Nga tăng cường năng lực phòng thủ.

Theo Xuân Phong (Qdnd.vn)