Thế giới

Nga mời Ấn Su-35S “thế hệ 5”: Trung Quốc tự trấn an

Theo trang Defense News, Nga và Ấn Độ đã kí một thoả thuận nâng cấp Su-35 Super Flanker thành một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Theo trang Defense News, Nga và Ấn Độ đã kí một thoả thuận nâng cấp Su-35 Super Flanker thành một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.
Phiên bản mới Su-35S mà Nga và Ấn Độ cũng nhau phát triển sẽ là một chiến đấu cơ có tính năng ngang ngửa các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như Lockheed Martin F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ, cũng như hiện đại hơn phiên bản Su-35 thế hệ thứ 4 mà Trung Quốc và Nga đang thương lượng.
 
Tuy nhiên, theo một chuyên gia nhận định trên tạp chí Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) của Trung Quốc, Su-35 Super Flanker mới sẽ không thể có được khả năng như những mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 “chính thống” và Trung Quốc cũng không cần phải quá lo lắng về sự hợp tác này giữa Nga và Ấn Độ.
 
Chiến đấu cơ "thế hệ thứ 5" Su-35S phiên bản Ấn Đô
 
Defense News trích dẫn một nguồn tin từ nội bộ Nga cho biết Moscow và New Delhi đã kí một thoả thuận nhằm thiết kế phiên bản mà Nga gọi là "thế hệ thứ 5" của chiến đấu cơ Su-35 tại Ấn Độ.
 

Su-35 hiện đang là mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện đại nhất của Nga

 
CEO của tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rostec Nga Sergey Chemezov cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận và kí những điều khoản chung cho chiếc Su-35 mới. Hiện tại Nga-Ấn Độ đang nghiên cứu về thiết kế và khung gầm thích hợp cho thế hệ thứ 5 của mẫu máy bay này”.
 
Việc chuyển từ Su-35 thế hệ thứ 4 hiện đang phục vụ trong Không quân Nga, sang Su-35S "thế hệ thứ 5" sẽ cần một sự nâng cấp không hề nhỏ. Trang mạng Defense News cũng đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng của Su-35S sánh ngang với F-35 của Mỹ.
 
Hiện tại Ấn Độ chưa đưa ra tuyên bố nào về thông tin trên tuy nhiên một quan chức Ấn Độ cho biết Nga đã liên tiếp thuyết phục Ấn Độ trong 6 tháng qua rằng Su-35 có thể thay thế các chiến đấu cơ MiG-21 và MiG 29 đã quá lỗi thời trong Không quân Ấn Độ và sẽ ngừng hoạt động trong vòng 7 đến 8 năm tới.
 
Nga và Ấn Độ hiện cũng đang cùng nhau phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FGFA dựa trên cơ sở của Sukhoi PAK FA T-50.
 
Defense News nhận định rằng việc Nga bất ngờ tuyên bố chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 với Ấn Độ là để chặn đường xuất khẩu của các chiến đấu cơ Rafale sang nước này, trả đũa việc Paris từ chối bàn giao 2 tàu chiến Mistral cho Moscow đúng thời hạn.
 
Vào năm 2012, New Delhi đã quyết định mua 126 chiến đấu cơ đa nhiệm Dassault Rafale từ Pháp, tuy nhiên, 2 nước lại không thể đạt được thoả thuận cuối cùng do bất đồng về vấn đề chuyển giao công nghệ và giá bán.
 
Theo nguồn tin từ nội bộ Nga, một chiếc Su-35S sẽ chỉ có giá 85 triệu USD, điều sẽ tạo ra một sự cạnh tranh vô cùng lớn với chiếc Rafale có giá lên tới gần 130 triệu USD và do đó, đe dọa trực tiếp tới thoả thuận giữa Pháp và Ấn Độ.
 
Trung Quốc và chiến đấu cơ Su-35 thế hệ thứ 4
 
Có rất nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên trên thế giới được sử dụng chiến đấu cơ Su-35 với hợp đồng cuối cùng cho 24 chiếc máy bay loại này sẽ được kí kết vào ngày 19-5 năm nay.
 
Tuy nhiên, đây chắc chắn sẽ là phiên bản Su-35 thế hệ thứ 4 chứ không phải Su-35S thế hệ 5 mà Nga với Ấn Độ đang phát triển.
 
Defense News không nói rõ điểm khác biệt giữa Su-35 và Su-35S. Tuy nhiên, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng mẫu Su-35S nhiều khả năng được phát triển dựa theo Su-30MKI, mẫu máy bay và Nga và Ấn phát triển chung.
 
Nó sẽ được trang bị công nghệ kĩ thuật điện tử hàng không hiện đại bao gồm hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động, cảm biến hồng ngoại và cơ sở dữ liệu chiến thuật phù hợp với nhu cầu của Không quân Ấn Độ, cũng như thiết bị chống can thiệp điện tử.
 
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự này cho rằng Su-35S sẽ có khả năng tàng hình hạn chế, mặc dù điều này có thể thay đổi bởi cách Ấn Độ và Nga thiết kế hình dáng của chiếc máy bay. Trong khi diện tích phản xạ radar của F-22 Mỹ là 1m2 thì tham số này ở các dòng máy bay Su-30 là khoảng 20 m2.
 
Trung Quốc tự trấn an
 
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc đã khẳng định rằng một chiến đấu cơ thế hệ 4 có thể được nâng cấp để có những khả năng tương tự như chiến đấu cơ thế hệ 5.
 
Điều này có thể được minh chứng rõ ràng nhất ở lĩnh vực điện tử hàng không, nếu đủ tiềm lực tài chính các công nghệ điện tử trên Su-35S hoàn toàn có thể vượt qua cả T-50, một chiến đấu cơ thế hệ 5 thực thụ.
 

Ấn Độ và Nga cũng đang hợp tác phát triển mẫu máy bay thế  thứ 5 PAK FA T-50

 
Ngoài ra, nếu được lắp đặt các hệ thống động cơ đẩy có phản lực lớn hơn tỉ lệ trọng lượng thì Su-35S có thể đạt tới khả năng linh hoạt ở tốc độ siêu âm không khác gì T-50. Tuy nhiên, về khả năng tàng hình và tăng tốc, Su-35S chắc chắn sẽ không thể sánh bằng T-50 hay F-22.
 
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không nên quá để ý tới việc Su-35S của Ấn Độ sẽ hiện đại hơn mẫu Su-35 "thường" mà Nga bán cho Trung Quốc, vì mẫu máy bay này sẽ chỉ đóng vai trò tạm thời trong phi đội không quân nước này.
 
Hiện tại, Trung Quốc cũng đang tự mình chế tạo 2 mẫu máy bay tàng hình khác là J-20 và J-31. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch và Trung Quốc không gặp nhiều khó khăn trong phát triển thì nhiều khả năng, Su-35S của Nga và Ấn Độ sẽ được ra mắt vào cùng thời điểm J-20 sẵn sàng gia nhập quân đội Trung Quốc.
 
Theo Nam Tào (Đất Việt)