Thế giới

Nga hồi sinh xe tăng 5 nòng pháo

Theo RT ngày 20/4, Nga đã hồi sinh thành công xe tăng T-35 thời Thế chiến thứ 2 - dòng xe tăng kỳ dị được thiết kế với 5 nòng pháo.

Thông tấn Nga cho biết, bản sao xe tăng T-35 đã được công ty Khai thác và Luyện kim Uran (UMMC) chế tạo và được trưng bày tại viện bảo tàng của công ty ở Verkhnyaya Pishma, Urals-Nga. Hiện nó đã được trang bị động cơ để có thể tự hành.

T-35 là thiết kế xe tăng hạng nặng đa tháp pháo do Cục thiết kế OKMO phát triển từ đầu những năm 1930 cho Hồng quân Liên Xô. Với kiểu dáng khổng lồ, trang bị nhiều ụ pháo khiến T-35 rất hầm hố trong lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ ngày 1/5/1933. Nó được xem là biểu tượng sức mạnh của Hồng quân Liên Xô thời kỳ này.

Nga hồi sinh xe tăng 5 nòng pháo
Tăng T-35 sau khi được hồi sinh.

Tuy nhiên, xe tăng hạng nặng T-35 chỉ được biên chế cho Hồng quân Liên Xô từ năm 1935. Dây chuyền sản xuất được nhà máy Kharkiv (sau mang tên Malyshev, Ukraine) thực hiện trong giai đoạn 1933-1938 với tổng cộng chỉ 61 chiếc ra đời.

Dự định khi chế tạo xe tăng hạng nặng T-35 của Liên Xô là nhằm để hủy diệt công sự của quân địch và hoạt động sau lưng địch. Chính vì thế, nó được trang nhiều tháp pháo gồm: tháp pháo chính gắn pháo nòng ngắn 76mm model 27/32 và súng máy; 2 tháp pháo nhỏ phía dưới lắp pháo 45mm và súng 7,62mm và 2 tháp pháo nhỏ khác lắp súng máy 7,62mm.

Để vận hành con quái vật nặng 45 tấn, dài 9,72m này thì buộc phải cần đến kíp lái 11 người. Họ được bao bọc trong lớp giáp khá tốt với thời kỳ đó dày từ 11-30mm.

Tuy nhiên, hệ thống động lực khi đó chưa thể đạt tới khả năng giúp cho cỗ xe tăng T-35 hoạt động trơn tru hiệu quả. Nó được đánh giá là có hệ thống động cơ không quá tốt - công suất 500 mã lực chỉ cho tốc độ tối đa 30km/h, tầm hoạt động chỉ là 150km.

Thậm chí, biến thể cải tiến tăng cường giáp sau này khiến trọng lượng tên tới 54 tấn nhưng động cơ chỉ đạt gần 600 mã lực. Vấn đề động cơ đã khiến cho các xe tăng hạng nặng T-35 – "thần tượng của lực lượng tăng Hồng quân Liên Xô” chịu thất bại trong thời kỳ đầu Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Trong các cuộc giao tranh với phát xít Đức năm 1940, phần lớn T-35 bị bắt sống vì hư hỏng các thành phần động cơ, truyền động. Không chỉ vậy, hỏa lực chống tăng của quân Đức cũng thừa sức xuyên thủng lớp giáp mỏng manh của siêu tăng T-35.

Theo Đan Nguyên (Đất Việt)