Thế giới

Mỹ vận động đưa tàu sân bay chốt ở Vịnh Ba Tư

Theo The Diplomat, nghị sĩ Mike Conaway thuộc Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện Mỹ vừa đề xuất tăng số lượng tàu sân bay Mỹ từ 11 lên 12 chiếc.

Theo The Diplomat, nghị sĩ Mike Conaway thuộc Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện Mỹ vừa đề xuất tăng số lượng tàu sân bay Mỹ từ 11 lên 12 chiếc.

“Kể từ sau Thế chiến II, Hải quân Mỹ đã phụ thuộc vào các tàu sân bay để thực hiện những chiến dịch quân sự cũng như khẳng định ảnh hưởng của mình trên thế giới. Từ Chiến tranh Triều Tiên cho đến năm 2000, Bộ Tổng tham mưu Hoa Kỳ đồng ý để lực lượng hải quân có trong tay 15 tàu sân bay.

Tuy nhiên, do ngân sách quốc phòng ngày càng giảm, Hải quân Mỹ chỉ còn được sử dụng 12 tàu vào năm 1998 và 11 tàu vào năm 2007. Quốc hội Mỹ sau đó đặt hạn mức 11 tàu để ngăn con số không giảm xuống thêm nữa”, nghị sĩ này cho biết.

Hải quân hoàn thiện tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Theo ước tính, con tàu này ngốn hết số tiền lên tới trên 13 tỷ USD.

“Ngày nay, chúng ta đang có nhu cầu bố trí tàu sân bay ở Vịnh Ba Tư để đảm bảo thỏa thuận hạt nhân Iran được áp dụng triệt để, và trước đó ông Sean Stackley, sĩ quan phụ trách hậu cần của Hải quân đã phát biểu rằng Hải quân Mỹ sẽ còn tiếp tục phải triển khai tàu sân bay cho đến năm 2021”.

Tương tự như nhiều nghị sĩ khác, ông Conaway cũng bày tỏ lo ngại đối với sự đi xuống của quân đội Mỹ cũng như sự thiếu quyết đoán của Mỹ đối với những đối thủ khác trên thế giới như Nga và Trung Quốc.

“Đối thủ của chúng ta đã đe dọa quyền tự do trên biển và lung lay khả năng quân sự của Hoa Kỳ. Giờ là lúc chúng ta thể hiện sức mạnh và quyết tâm không chỉ đối với những người đang tại ngũ mà còn cả cộng đồng quốc tế bằng cách nâng số tàu sân bay hiện có để Hải quân Mỹ có thể đảm bảo hoạt động của mình trong nước cũng như trên thế giới”, ông nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, Hải quân Mỹ vẫn là lực lượng mạnh nhất trên thế giới và không cần phải thể hiện khả năng của mình. Cho dù là 11 hay 12 tàu sân bay, tầm ảnh hưởng của Hải quân Mỹ trên thế giới vẫn không thay đổi.

Đặc biệt, đề xuất này lại được đưa ra trong bối cảnh ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ ngày càng eo hẹp.

Cụ thể, ngân sách quốc phòng năm 2015 của Mỹ đã bị giảm 48 tỷ USD so với trước đây. Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ sử dụng 521,3 tỷ USD, chi cho việc mua sắm trang bị mới và nghiên cứu vũ khí, cũng như chi trả chi phí cho nhân viên.

Ngoài ra, Hạ viện còn uỷ quyền cho chính phủ Mỹ chi trả kinh phí hoạt động ở nước ngoài là 63,7 tỷ USD, bao gồm kinh phí hoạt động tại Iraq và Afghanistan. So với ngân sách quốc phòng trước đây, dự toán ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2015 giảm 48 tỷ USD, trong đó kinh phí chiến tranh hải quân giảm 16,4 tỷ USD.

Ngân sách này bao gồm cả chi phí cho cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS, với tổng chi phí là 5,1 tỷ USD, trong đó gồm chi phí huấn luyện an ninh cho Iraq trong hai năm tới, giúp lực lượng này nâng cao khả năng tác chiến và kinh phí cho việc tăng 1.500 quân đến Iraq.

Với túi tiền đang ngày càng nhỏ lại thì việc đề xuất tăng số lượng tàu sân bay của Mỹ rất khó có thể thực hiện được, bởi để đóng được 1 chiếc tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân thế hệ mới, Hải quân Mỹ phải bỏ ra số tiền khoảng 13 tỷ USD.
 
>> Sức mạnh siêu tàu sân bay Mỹ sắp tới "trấn giữ" châu Á
>> Vì sao tàu sân bay Mỹ có nguy cơ "xếp xó"?

Theo Ngọc Hoà (Đất Việt)