Thế giới

Mỹ sẽ vươn lên giữ vị trí nhà cung cấp vũ khí số 1 của Việt Nam?

Theo số liệu của SIPRI, trong giai đoạn 2011 - 2015, vũ khí Nga chiếm tới 94% thị phần tại Việt Nam, nhưng điều này có thể sẽ sớm thay đổi.

Theo số liệu của SIPRI, trong giai đoạn 2011 - 2015, vũ khí Nga chiếm tới 94% thị phần tại Việt Nam, nhưng điều này có thể sẽ sớm thay đổi.

Mặc dù số liệu của năm 2016 hiện vẫn chưa có, nhưng dự đoán rằng sẽ không có nhiều đột biến, thậm chí kim ngạch còn giảm sút so với năm 2015 vì chưa xuất hiện thêm hợp đồng nào thực sự đáng chú ý.

Ông Anatoly Punchuk, Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật quân sự khi được hỏi liệu có các cuộc đàm phán nào với Hà Nội về việc mua thêm một số lô hàng bổ sung của Nga như S-300PMU2, Su-30MK2 và hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion hay không, đã cho biết: "Chưa có đề nghị nào như vậy từ phía Việt Nam".

Khả năng cao nhất là trong năm nay chúng ta sẽ ký với Nga hợp đồng đóng mới cặp Gepard 3.9 thứ ba, việc mua thêm chiến đấu cơ thuộc dòng Su-30 hay Su-35 có thể sẽ phải diễn ra sau khi tiêm kích nhẹ thế hệ mới về đủ số lượng, do hiện nay Việt Nam đang vận hành phi đội tiêm kích hạng nặng lớn nhất Đông Nam Á, chi phí hoạt động của chúng không hề nhỏ.

Mỹ sẽ vươn lên giữ vị trí nhà cung cấp vũ khí số 1 của Việt Nam? - Ảnh 1.
 Nga gần như chỉ đang nắm chắc duy nhất hợp đồng đóng mới cặp Gepard 3.9 thứ ba cho Hải quân Việt Nam

Trong khi đó sau khi được dỡ bỏ cấm vận, triển vọng để vũ khí Mỹ xuất hiện tại Việt Nam với số lượng lớn là điều dễ xảy ra.

Đang có thông tin cho biết Việt Nam muốn nhận được các máy bay F-16 thuộc Chương trình bán trang bị dư thừa của Bộ quốc phòng Mỹ, để sau đó tiến hành đại tu và nâng cấp. 

Căn cứ vào trường hợp của Indonesia, nếu đề xuất được thông qua thì Hà Nội sẽ phải bỏ ra khoản chi phí khoảng 750 triệu USD để nhận về 24 chiếc F-16C/D Block 52.

Bên cạnh đó là 6 máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion mà phía Việt Nam cùng Tập đoàn Lockheed Martin đã có các cuộc tiếp xúc, thương lượng nhằm tiến tới đặt mua từ 2 năm trước. 

Theo SIPRI, Mỹ đã bán cho Đài Loan 12 chiếc P-3C cũ được hiện đại hóa lên thành P-3CUP với đơn giá 664 triệu USD, cho nên Việt Nam sẽ phải mất ít nhất 332 triệu USD cho 6 máy bay.

Ngoài hai loại trên thì triển vọng rất lớn được dành cho vận tải cơ C-130J Super Hercules (đơn giá 110 triệu USD/chiếc), khi chúng ta đang có nhu cầu còn các nhà sản xuất Nga cũng đã "chào thua" vì không có sản phẩm tương tự để chào bán.

Như vậy tính riêng các khoản lớn thì Việt Nam có thể bỏ ra trên 2 tỷ USD để mua vũ khí Mỹ trong tương lai gần, do đây đều là những chủng loại thuộc dạng cấp thiết.

Mỹ sẽ vươn lên giữ vị trí nhà cung cấp vũ khí số 1 của Việt Nam? - Ảnh 2.
 Các máy bay vận tải C-130 Hercules biểu diễn "Voi đi bộ"

Tạp chí quốc phòng IHS Jane's nhận định, kinh phí mua sắm quốc phòng của Việt Nam trong một vài năm tới dao động quanh mức 1,6 tỷ USD (tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2020).

Chúng ta sẽ không đủ ngân sách để tiếp tục mua vũ khí Nga với số lượng lớn như trong vài năm qua nếu xác định đầu tư vào vũ khí Mỹ để nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống chiến thuật.

Do vậy có thể trong một thời điểm ngắn hạn nhất định, Mỹ sẽ thay thế Nga trở thành nhà cung cấp trang bị quốc phòng lớn nhất cho Việt Nam, còn trong dài hạn điều này có được duy trì hay không còn tùy thuộc nhiều vào tình hình thế giới cũng như nhu cầu cụ thể của chúng ta.

Theo Tuấn Trung (Thegioitre.vn/Infonet.vn)