Thế giới

Mỹ khởi động 'Chiến tranh giữa các vì sao'

Thông tin về việc Mỹ thành lập lực lượng không gian mới đang thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phía Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thông báo về việc thành lập lực lượng quân đội không gian mới: “Để bảo vệ đất nước, lực lượng của Mỹ có mặt trong không gian là chưa đủ. Lực lượng của chúng ta phải thống trị không gian”.

Mỹ khởi động 'Chiến tranh giữa các vì sao'
Không gian sẽ trở thành một chiến trường mới.

Tuyên bố này của ông Trump nhận được sự ủng hộ từ những người ủng hộ việc quân sự hóa không gian và đe dọa đến các đối thủ tiềm năng của Mỹ là Nga và Trung Quốc.

Hiện tại mỗi quốc gia trong số này có hàng trăm vệ tinh riêng, nếu họ thấy Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong không gian nhiều khả năng ngân sách dành cho lực lượng này của họ cũng sẽ tăng lên. Trong trường hợp này, kinh phí sẽ được sử dụng vào việc nghiên cứu các phương pháp “tiêu diệt” hoặc “bẻ gãy” các vệ tinh hay phi thuyền của Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà ngoại giao đã cố gắng ngăn chặn kịch bản này. Luật không gian quốc tế có hiệu lực lần đầu tiên vào năm 1967 trong khuôn khổ Hiệp ước không gian, theo đó xung quanh quỹ đạo trái đất và không gian bên ngoài được coi là một tài sản chung cần được bảo vệ. Như ở Nam Cực, mọi người có thể đến đó, và các nhà khoa học có thể tiến hành nghiên cứu, nhưng vùng này không được xem là một chiến trường tiềm năng.

Tuy nhiên ông Trump dường như đang muốn đi ngược lại với các Hiệp ước này. Trong tháng 3/2018 ông từng nói rằng, không gian là chiến trường giống như trên đất liền, trên không và trên biển.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Chủ tịch Hội đồng không gian quốc gia sau đó nói rằng, Mặt trăng là một “mục tiêu chiến lược quan trọng” và Mỹ phải thống trị cả trên trời lẫn mặt đất.

Quyết định về việc thành lập một lực lượng quân sự mới không phải là bước duy nhất để quân sự hóa không gian bên ngoài của Mỹ. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Ted Cruz và những người ủng hộ ông trong quốc hội đang cố gắng “đẩy mạnh” dự luật triển khai trong không gian các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Tuy nhiên các loại vũ khí này có trở thành một phương tiện hiệu quả trong không gian thì vẫn còn là dấu hỏi. Các hệ thống phòng thủ chống tên lửa cần phải bắn trúng các tên lửa tầm xa trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng cho đến nay, kết quả thử nghiệm các hệ thống này không thực sự rõ ràng.

Ngoài ra, vũ khí trong quỹ đạo di chuyển với tốc độ 17000 dặm/h. Điều này có nghĩa là cần hàng trăm, hàng ngàn hệ thống phòng thủ chống tên lửa phân bố khắp không gian.

Một điều chắc chắn đó là các đối thủ của Hoa Kỳ sẽ tìm mọi biện pháp nhằm ngăn chặn hành động của Mỹ và tìm cách chiếm ưu thế trên không gian.

Vì vậy một khi luật triển khai vũ khí trong không gian bị phá hủy, thì xác suất xảy ra va chạm là rất cao. Không gian sẽ trở thành chiến trường mới và sẽ ảnh hưởng đến vệ tinh của nhiều nước trên thế giới.

Theo Chí Huy (Đất Việt)