Thế giới

Mỹ dồn vũ khí mạnh nhất về châu Á

Để đối phó với sự khó lường tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ quyết định dồn phần lớn những vũ khí ưu tú nhất của mình đến đây.

Để đối phó với sự khó lường tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ quyết định dồn phần lớn những vũ khí ưu tú nhất của mình đến đây.

Tuyên bố về việc Mỹ dồn lực lượng về châu Á được đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết, theo ông này mạng lưới an ninh ở châu Á – TBD với sự tham gia của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực giữa lúc ngày càng nhiều thách thức an ninh xuất hiện bao gồm chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

"Trong giai đoạn thứ hai, quân đội Mỹ tăng thêm lực lượng cùng triển khai thêm vũ khí thế hệ mới. Trong đó có chiến đấu cơ tàng hình F-22, F-35, máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon, máy bay cánh quạt lật V-22 Osprey, oanh tạc cơ tàng hình B-2 cùng với hạm đội tối tân nhất, trong đó có chiếc DDG-1000", ông Carter nói.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, lực lượng này đang tiếp tục đầu tư vào lực lượng tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, máy bay không người lái mạnh về hoạt động trên biển, máy bay ném bom tầm xa B-21 thế hệ mới và công nghệ tối tân chống chiến tranh không gian mạng và vũ trụ...

Ông Ashton Carter cho biết, đó là kế hoạch cho những năm tới, còn ngay trong năm 2016, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được sự đồng thuận về việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Bộ trưởng Carter cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ đang tăng cường thúc đẩy mối quan hệ ba bên với Hàn Quốc và Nhật tạo thành liên minh vững chắc.

"Liên minh đối tác Mỹ - Nhật – Hàn sẽ giúp phản ứng nhanh trước những đe dọa từ Triều Tiên. Để minh chứng cho sự liên minh vững chắc này, ngay từ đầu năm 2016, ba nước đã lần đầu tiên tiến hành một cuộc tập trận cảnh báo tên lửa đạn đạo.

Mạng lưới an ninh ở châu Á – TBD sẽ giúp tăng cường sự ổn định trước những mối đe dọa như hành động khiêu khích của Triều Tiên", Bộ trưởng Carter cho biết.

Trước khi đưa ra tuyên bố này, người tiền nhiệm của ông Carter là Chuck Hagel cho biết, để thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á - TBD của mình, Mỹ sẽ đưa 60% lực lượng Hải quân đến khu vực đầy biến động này.

'Trong năm 2015, lần đầu tiên Hải quân Mỹ sẽ triển khai tàu đổ bộ tốc độ cao (JHSV) đến khu vực này và một tàu ngầm tại căn cứ quân sự ở Guam. Bốn tàu tuần dương sẽ được triển khai tới đây vào năm 2017. Tới năm 2018, tàu khu trục hiện đại lớp Zumwalt sẽ bắt đầu vận hành ở Thái Bình Dương.

Và đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân tại khu vực này', ông Hagel nêu rõ về kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ trong những năm tới. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp máy bay chiến thuật thế hệ 5 cho Nhật và Australia, đồng thời triển khai thêm 2 tàu phòng thủ tên lửa đạn đạo tới Nhật. Trước đó, Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương của Mỹ đã điều khoảng 12 máy bay F-16 tới căn cứ Không quân Kunsan, Hàn Quốc.

Dù toàn bộ chính sách xoay trục của Mỹ được giới chức lãnh đạo nước này lý giải là nhằm đối phó với sự khó lường từ lực lượng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, tuy nhiên theo giới chuyên gia nhận định, đó chỉ là cái cớ của Mỹ còn đối thủ thực sự khiến Mỹ phải đề phòng không ai khác chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. (Ảnh trong bài: Chiến hạm DDG-1000, máy bay P-8A cùng tiên kích F-22).

Theo Đất Việt