Thế giới

Máy bay B-52 "vô dụng" nếu thiếu tên lửa hành trình hạt nhân

Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ khẳng định phi đội B-52 sẽ không thể làm nhiệm vụ chiến đấu nếu thiếu tên lửa LRSO hiện đại.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ khẳng định phi đội B-52 sẽ không thể làm nhiệm vụ chiến đấu nếu thiếu tên lửa LRSO hiện đại.

Máy bay ném bom B-52 mang theo tên lửa ALCM đời cũ. Ảnh: Military.com.

"Chúng tôi dự kiến sử dụng oanh tạc cơ B-52 tới thập niên 2050 với vai trò là nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu không có tên lửa hành trình tầm xa hạt nhân phóng từ máy bay (LRSO), chúng sẽ trở nên vô dụng với các nhiệm vụ này", Sputnik dẫn lời tướng John Hyten, tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM), nói hôm 22/9.

Ông Hyten khẳng định "có hàng triệu lý do" để coi LRSO là vũ khí buộc phải có trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ. Loại tên lửa này dự kiến thay thế phiên bản AGM-86B ALCM, vốn bị không quân Mỹ chê là cổ lỗ, khó bảo dưỡng và không thể hoạt động hiệu quả.

Mặc dù được đánh giá là vẫn đảm bảo độ tin cậy, tên lửa AGM-86B khó lòng vượt qua các hệ thống phòng thủ tối tân như S-300, S-400 của Nga. Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới phòng không tầm xa với các máy tính tốc độ cao có thể khiến máy bay tàng hình cũng gặp nguy hiểm.

"Dù các bạn tin hay không, mối đe dọa nhằm vào Mỹ đã thay đổi trong 40 năm qua. ALCM ra đời để đối phó với Liên Xô, đó không phải  loại vũ khí mà STRATCOM cần vào thời điểm hiện tại", tướng Hyten nhấn mạnh.

Quân đội Mỹ hy vọng LRSO sẽ là một trong số ít vũ khí xuyên thủng được lớp phòng thủ công nghệ cao của Nga, hoặc mạng lưới phòng không dày đặc của Trung Quốc và Triều Tiên. Washington cần những vũ khí hạt nhân có sức mạnh ngang bằng hoặc vượt qua các đối thủ tiềm tàng để duy trì khả năng răn đe chiến lược.

Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)