Thế giới

Mẫu cường kích Su-22 của không quân Syria vừa bị Mỹ bắn hạ

Cường kích Su-22 già cỗi đóng vai trò là lực lượng chủ lực của không quân Syria trong cuộc chiến chống IS.

Cường kích Su-22 già cỗi đóng vai trò là lực lượng chủ lực của không quân Syria trong cuộc chiến chống IS.

mau-cuong-kich-su-22-cua-khong-quan-syria-vua-bi-my-ban-ha

Quân đội Mỹ ngày 18/6 tuyên bố bắn rơi một cường kích Su-22 của không quân Syria tại làng Rasafah, gần sào huyệt Raqqa của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo các chuyên gia quân sự, đây là một tổn thất lớn đối với không quân Syria, bởi Su-22 chính là loại cường kích chủ lực của họ trong cuộc chiến chống IS và lực lượng nổi dậy, đặc biệt là khi cuộc không kích bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ hồi tháng 4 đã khiến họ mất nhiều Su-22 đóng tại căn cứ Shayrat.

Theo chuyên gia quân sự Sebastien Roblin của WATM, Su-22 là mẫu cường kích được Liên Xô cải tiến trên nền tảng tiêm kích bom cánh cụp cánh xòe Su-17. Kế thừa thiết kế này và được trang bị động cơ phản lực Lyulka AL-21F-3, cường kích Su-22 có thể hành trình ở vận tốc siêu thanh ngay cả khi ở tầm thấp và đạt vận tốc 2082 km/h ở tầm cao với đôi cánh cụp vào.

Su-22 có tầm hoạt động xa hơn, được vũ trang mạnh hơn với hai pháo Nudelman 23 mm cùng 10 giá treo để mang hai tên lửa không đối không tầm nhiệt cùng lượng bom gấp đôi Su-17. Vũ khí phổ biến của Su-22 là các loại bom không dẫn đường và rocket.

Su-22 sau đó được biên chế cho không quân nhiều nước trên thế giới, nhưng cũng hứng chịu khá nhiều tổn thất trong các cuộc đối đầu. Iraq từng mất hàng chục chiếc Su-20 và Su-22 vì bị tiêm kích Iran bắn hạ hoặc trúng hỏa lực bộ binh trong cuộc xung đột giữa hai nước.

Một số phi công cường kích Su-22 Iraq đào tẩu sang Iran năm 1991. Iran đã thu giữ nhiều khả năng đã chuyển giao vài chiếc Su-22 cho Syria thời gian gần đây.

Trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và xung đột 1982 ở Lebanon, tiêm kích F-4 Phantom và F-15 Israel bắn hạ hơn 10 chiếc Su-20 và Su-22. Hai cường kích Su-22 của Libya từng ngắm bắn tiêm kích F-14 Mỹ ở Vịnh Sidra năm 1982 và bị bắn hạ.

Không quân Syria được biên chế khoảng 33 cường kích Su-22 khi nội chiến bắt đầu bùng phát ở quốc gia này. Tuy đã già cỗi với công nghệ lạc hậu, cường kích Su-22 vẫn có vai trò rất quan trọng với không quân Syria, khi tham gia vô số chiến dịch oanh tạc nhằm vào IS và quân nổi dậy với các loại bom chùm, vũ khí nhiệt áp, hỏa tiễn không dẫn dường S-8 và S-24.

Sau khi bị thiệt hại một số cường kích trong các cuộc tấn công, không quân Syria hiện chỉ còn khoảng 3 biên đội Su-22, với khoảng 25 lần xuất kích một ngày để ném bom các mục tiêu của IS và quân nổi dậy.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)