Thế giới

Lý do nào giúp Trung Quốc tham vọng xuất khẩu vũ khí vượt Nga

Trung Quốc là gương mặt mới trong thị trường vũ khí nhưng đã nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, sau Nga và Mỹ nhờ tốc độ phát triển kinh tế vượt trội.

Trung Quốc là gương mặt mới trong thị trường vũ khí nhưng đã nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, sau Nga và Mỹ nhờ tốc độ phát triển kinh tế vượt trội.
Want China Times dẫn nguồn tin từ Mạng quân sự Sina cho biết, những hình ảnh 3 chiếc trực thăng tấn công CAIC Z-10 do nước này sản xuất đã xuất hiện ở Pakistan. Trung Quốc ngày 26/6 cũng đạt thỏa thuận bán 3 tàu ngầm chạy diesel-điện cho Thái Lan, ước tính chi phí 355 triệu USD mỗi chiếc.
 
Điều này đã dẫn đến những so sánh giữa vũ khí và Nga và Trung Quốc trên các trang mạng quân sự thế giới. Theo truyền thống, ngành công nghiệp quốc phòng Nga luôn có lợi thế lớn hơn. Thành tựu của Liên Xô và nỗ lực nghiên cứu, phát triển vũ khí giúp Nga duy trì vị thế hàng đầu trong thị trường vũ khí quốc tế.
 

Thái Lan đặt mua 3 tàu ngầm S-20 chạy diesel-điện từ Trung Quốc.

 
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới đến 56 quốc gia. Trung Quốc chỉ là gương mặt mới trong thị trường vũ khí toàn cầu nhưng đã nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba.
 
Chiến đấu cơ CAC-PAC JF-17, pháo tự hành PLZ-45 155 mm và các loại tên lửa chống hạm series C là những vũ khí xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến việc hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự phục vụ cho xuất khẩu. Ở một số phương diện, vũ khí Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với các vũ khí Nga ở thị trường quốc tế.
 
Một trong những ví dụ điển hình nhất là việc Pakistan lựa chọn mua trực thăng tấn công Z-10 từ Trung Quốc. 3 chiếc trực thăng chuyển giao trước tiên theo hợp đồng đã ký. Pakistan sẽ mua thêm 17 chiếc Z-10 trước cuối năm nay nếu cảm thấy hài lòng. Đây cũng là quốc gia đầu tiên lựa chọn mua trực thăng Trung Quốc.
 
Truyền thông Pakistan cũng đưa tin, nước này có thể mua tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo Type 094 lớp Jin. Dường như Pakistan sẽ sử dụng đồng thời cả trực thăng Trung Quốc và Nga. Bởi theo tạp chí quốc phòng IHS Janes’s, Nga đã ký thỏa thuận bán 20 trực thăng tấn công cho Pakistan. Ngoài ra, Pakistan cũng có thể đặt mua tên lửa tầm trung đất-đối-không Panstyr-S1 và các hệ thống pháo phòng không, trực thăng Mi-28E hay hệ thống tên lửa 9K37 Buk Grizzy.
 

Trực thăng tấn công Z-10 Pakistan mua từ Trung Quốc.

 
Một số vũ khí Trung quốc hiện đang biên chế trong quân đội Pakistan như tiêm kích CAC/PAC JF-17, xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu chiến F-22P Zulfiquar, tàu tấn công nhanh lớp Azmat. Theo kế hoạch, không quân Pakistan sẽ đặt mua 50 chiến đấu cơ JF-17 Block 2 vốn mới được Trung Quốc nâng cấp và bay thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 9/2.
 
Trong khi đó, tờ Bangkok Post (Thái Lan) cho biết uỷ ban mua sắm của hải quân nước này đã lựa chọn mua 3 tàu ngầm Trung Quốc so với các tàu ngầm từ Đức, Hàn Quốc hay Kilo đề án 636 của nga. Lý do được đưa ra là tàu ngầm Trung Quốc có “giá cả phải chăng nhất”.
 
Nga gần đây hướng đến các khách hàng truyền thống của Trung Quốc như Thái Lan, Myanmar, Pakistan. Điều này trùng hợp với những rắc rối xung quanh hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc.
 
Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ lớp Zubr (LCAC) từ Ukraine. Hai chiếc đóng tại Crimea và hai chiếc còn lại đóng ở Trung Quốc. Hợp đồng đã bị gián đoạn khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mới đây vấn đề mới được giải quyết khi Nga đồng ý tiếp nhận hợp đồng từ Ukraine.
 
Theo Đăng Nguyễn (Nguoiduatin.vn)